Câu lục rất phổ biến trong lĩnh vực câu cá nước ta, chủ yếu khi câu các loại cá như chép, rô phi, chim, mè, trôi, trắm… các anh em đều hướng đến câu lục. Đó là do các loại cá kể trên thường khá kén ăn, khi câu cần phải dụ và có kiểu câu phù hợp.
Khi bắt đầu một buổi câu lục, anh em cần thủ có khá nhiều thứ cần phải chuẩn bị. Trước hết là mồi, cần câu, máy câu, tìm kiếm địa điểm câu, vị trí thả ổ câu lục, lựa chọn ổ câu, thời tiết buổi đi câu… Mỗi phần đều quan trọng và góp phần vào thành công của buổi đi câu. Trong đó có những phần quan trọng nhất là làm thính (mồi), thả mồi tạo ổ và chọn ổ câu.
1. Làm thính (mồi câu)
Khi bạn làm mồi câu lục, loài cá mà bạn nhắm đến sẽ ảnh hưởng đến loại mồi mà bạn làm, do mỗi loài cá có xu hướng ăn mồi khác nhau, vị của mồi cũng khác nhau, độ thơm của mồi cũng khác nhau. Tuy nhiên, với một số loại cá như trắm, trôi, chép, mè, cá chim, rô phi bạn có thể dùng một loại mồi để câu tất cả, tuy nhiên hiệu quả sẽ thấp nếu bạn hướng đến câu một loài cá nhất định.
Do đó, trước khi làm mồi cần phải xem hôm nay bạn dự định câu loài cá gì, hoặc địa điểm câu mà bạn chọn có khả năng loài cá nào là nhiều nhất… từ đó tạo mồi câu phù hợp.
Thông thường các cần thủ thường xuyên đi câu họ sẽ chuẩn bị mồi cho vài tuần hoặc cả tháng đi câu, hoặc sẽ làm mồi nền sẵn, sau đó tùy loại cá đi câu mà cho thêm nguyên liệu. Các bạn có thể tham khảo một số cách làm mồi nền câu lục tại đây. Và dưới đây là một số hướng dẫn về cách làm mồi câu các loài cá để các bạn tham khảo thêm.
Thính (dụ mồi là rất quan trọng để thu hút cá tập trung về một khu, từ đó bạn sẽ câu được nhiều cá hơn.
2. Chọn máy câu và cần câu
Về chọn máy câu và cần câu, phần này không quá quan trọng khi bạn câu lục tại các ao hồ, sông, suối. Bạn chỉ cần một máy câu đơn giản, không cần phải có lực hãm tải quá cao. Cần câu có độ cứng, dẻo kể cả dưới trung bình cũng được. Bởi vì các loài cá nước ngọt mà khi câu lục các cần thủ hướng đến kích thước không quá to, cũng không quá khỏe, thông thường từ 1,5 -5kg. Nếu bạn có điều kiện để đầu tư hơn, thì bạn có thể xem qua một số máy câu dành cho người mới học câu tại đây.
Còn đối với câu lure, thì máy và cần câu lại rất quan trọng, bởi vì nó hướng đến việc tạo action cho mồi lure thu hút cá. Đối với câu cá biển thì mồi và cần câu lại cực kỳ quan trọng, đặc biệt là độ kháng mặn, lực hãm tải, độ dẻo của cần…
3. Vị trí câu
Vị trí câu đối với câu lục cũng rất quan trọng, đó là lý do tại sao cùng câu một hồ, ông thì giật cá lên liên tục, ông thì ngồi im ắng cả buổi.
Trong việc chọn vị trí câu, trước hết bạn cần tìm hiểu về tập tính của mỗi loài cá. Ví dụ, câu cá trôi nên tập trung khu có các bờ kè, cọc, những nơi mà cá có vị trí để ẩn nấp. Câu chép, trắm nên tập trung khu cuối gió, những nơi thoáng đãng, từ đó chọn cho mình vị trí đẹp trong hồ để câu.
Ngoài vị trí câu thì thời điểm đi câu cũng có ảnh hưởng không ít, và mùa nào nên câu cá nào cũng là một điều kiện. Khi đi câu lục chắc chắn phải tránh những ngày mưa to, buổi trưa nắng to tất nhiên không nên đi câu, buổi tối đi câu hiệu quả cũng không cao. Thông thường hai thời điểm tốt nhất nên đi câu trong ngày là sau khi mặt trời mới lên cho đến gần trưa và buổi chiều cho đến sẩm tối. Đây là hai thời điểm tốt nhất trong ngày để đi câu. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về thời điểm đi câu trong ngày và theo mùa tại đây.
4. Chọn hồ khi câu
Phần này cũng rất quan trọng đối với những cần thủ đánh bắt hồ dịch vụ bạn nên tìm hiểu trước về các thông tin như:
- Trước hết là giá cả có phù hợp với túi tiền không
- Những loài cá mà hồ hay thả, thời điểm chủ hồ cho cá ăn, chủ hồ có thường xuyên cho cá ăn không, bao lâu thì chủ hồ lại thả cá một lần.
- Độ nông sâu của hồ để chọn địa điểm thả ổ câu với độ sâu phù hợp
- Tìm hiểu góc chết của hồ để tránh, thường là các góc sâu, ít thoáng khí, góc dồn bởi gió, góc khuất của hồ.
- Quan sát các cần thủ khác trước khi thả mồi, thông thường nếu có thể bạn dành ra khoảng 20 – 30 phút quan sát độ lên các của các cần thủ đang câu, dò hỏi nếu thích sau đó mới quyết định có câu tại hồ đó hay không
5. Thả mồi
Trước tiên là thực hiện thả mồi để dò ổ cá, các bạn nên thả từ 7-10 ổ mồi, nếu ít thì 5-7 ổ mồi trước khi câu. Sau khi thả mồi quan sát xem cá tập trung tại ổ nào bằng cách quan sát các bọt khí nổi lên sau khi thả khoảng 5-7 phút. Chọn những ổ mồi sủi nhiều bọt nhất để câu, ngoài ra trong khi dò ổ, thả thính xuống nếu thính lăn xa thì xác định nên tìm ổ khác, chọn những ổ mà địa hình bên dưới không quá gồ ghề, mặt nước không quá yên tĩnh để câu.
Khi câu nên chú ý quan sát những ổ câu của những người khác, nếu lên đến 4-5 điểm câu lên cá đều đều, những điểm khác móm hết thì xác định cá đã tụ về những điểm đó. Do đó, bạn nên thả ổ cách thật xa những ông đó ra, thì khả năng lên cá sẽ cao hơn đặc biệt là khi câu hồ dịch vụ. Tìm hiểu thêm về kinh nghiệm câu cá hồ dịch vụ tại đây.
Trên đây là một số kinh nghiệm về câu lục cho các anh em tham khảo thêm, mong nhận được thêm những chia sẻ và đóng góp của các anh em cần thủ ba miền về câu cá.
Leave a comment