Câu cá mùa đông là một sở thích xa xỉ về mặt tinh thần, đặc biệt là đối với các cần thủ miền Bắc. Mùa đông ở miền Bắc thường rất lạnh, đặc biệt là dịp gió mùa Đông Bắc đến, câu cá mùa đông thực sự tốn nhiều công sức và chỉ dành cho những cần thủ nghiện câu, vừa chịu khó và vừa kiên nhẫn.
Mình thì ít khi câu cá mùa đông, do sức khỏe của mình vào mùa đông thường ốm vặt. Tuy nhiên cũng có một cơ số lần liều mình đi cùng với mấy bác già trong hội câu hồ, từ đó được chia sẻ không ít kinh nghiệm câu cá vào mùa đông và hôm nay mình quyết định chia sẻ với các bạn để tham khảo.
Câu cá mùa đông việc chọn ngày câu và giờ câu cũng khá là quan trọng, trước hết nên đi câu trong những ngày ấm, có nắng càng tốt, ít gió khi đó nhiệt độ nước sẽ ấm hơn và cá cũng hoạt động mạnh hơn. Giờ câu tốt nhất là từ 10 giờ sáng cho đến 8-9 giờ tối, nhưng đôi khi ham và câu săn cá khùng có thể câu đến tận khuya. Do vậy, thực sự câu cá mùa đông đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn và đam mê. Nhiệt độ nước thông thường để câu từ 14 độ C, nếu câu cá củ thì khoảng 10 độ C vẫn câu được.
Ngoài ra, địa điểm câu đôi cũng sẽ khiến các cần thủ đau đầu, vì mùa đông nước lạnh, hướng gió thay đổi, cá lười đi kiếm ăn nên việc chọn địa điểm câu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, câu cá mùa đông thường được cá to, cá mùa đông toàn cá củ và béo. Cá thường ít phá mồi hơn so với mùa hè, nếu câu mùa hè nhiều khi mất mồi mà chẳng thấy cá đâu, nhưng câu mùa đông thường ít khi bị phá mồi, cá cắn câu cũng nhanh hơn bình thường nhưng cảm giác như lượng cá ít hơn bình thường.
Đối với các cần thủ câu hồ dịch vụ, nên câu vào những ngày nắng ráo, đẹp trời, nhiệt độ nước khoảng 14-18 độ là hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn đi câu vào những ngày không có nắng, gió to, âm u thì nên chọn những chỗ sâu nhất trong hồ, lặng gió nhất để câu. Những vị trí như vậy cá thường tập trung nhiều, nhiệt độ nước cũng ấm hơn so với những vị trí khác, càng xuống sâu càng ấm.
Hoặc cũng có thể câu ở bờ cao chắn gió, bờ kèo, đập, câu đầu cần vì đó là hướng cá vào tránh rét.
Nếu ngày đi câu là ngày nắng, gió to thì anh em nên câu cuối sóng, cuối gió, câu đầu cần không cần đánh bắt xa bờ vì cá đói sẽ tập trung kiếm ăn theo hướng sóng, gió. Nơi cuối sóng là nơi tập trung nhiều thức ăn hơn, cũng là nơi ấm hơn
Nếu ngày đi câu có nắng, không có gió to thì câu xa bờ một chút, nếu chọn địa điểm câu là đập, kè thì nên câu đầu cần. Câu nổi hoặc câu tầm trung vì những ngày này cá thường lên mặt nước kiếm ăn, và nước tầng trên cũng ấm hơn so với tầng dưới.
Nếu bạn đi câu đêm mùa đông, trong trường hợp săn xá củ nên câu những nơi sâu từ 2 mét trở lên, do bản chất cá củ thường nhát ăn, dè dặt do đó chúng thường ẩn nấp hơn là kiếm ăn vào ban đêm. Nếu bạn không săn cá củ, chỉ câu đầu cần như bình thường là được.
Một điều cần lưu ý là những ngày trời rét đậm rét hại nếu bạn vẫn vác cần đi câu thì bạn không nên câu đầu cần, câu nổi. Những ngày này cá thường trú ẩn hơn là đi săn hay ngoi lên mặt nước.
Vào mùa đông, những vị trí nhiều cọc, cây đổ, nhiều mô đất hay có rãnh dưới đáy hồ, có bèo thường là những nơi có nước ấm hơn, do vậy cũng nên câu ở những khu vực này.
Câu sông vào mùa đông rất hay bị móm, do nước chảy nhưng nước lạnh, nếu nước sông lên thì nên câu, nước xuống thì cũng nên xách cần đi về.
Một trường hợp cũng nên xách cần đi về nữa là câu hồ, sau khi đo nhiệt độ nước tầng dưới lạnh như nước tầng trên, đảm bảo không có con cá nào dám đi khỏi nơi trú ngụ, do vậy nên xách cần về cho đỡ mất công
Một lưu ý nhỏ là trước khi gió mùa Đông Bắc về cá ăn mạnh do thời tiết ấm bất thường, cá sẽ đi ăn để tích năng lượng tránh rét. Hoặc sau gió mùa vài ngày, cá đi ăn. Cá mùa đông rất béo do ăn nhiều, đêm mùa đông ngày nắng ấm cá trắm đen ăn nhiều, nếu chịu khó thì khả năng săn được hàng khủng khá cao. Đó là lý do các anh em câu hồ thủy điện khi xác định săn trắm khủng, toàn đi vào ban đêm, đặc biệt là những ngày trời nắng ấm.
Leave a comment