Câu Đơn

Câu đài là gì – Kinh nghiệm câu đài cho người mới

Bài viết bên dưới được tổng hợp từ các tài liệu do các bậc tiền bối trong giới Câu Đài chia sẻ rộng rải và kinh nghiệm các nhân của người viết về kỹ thuật Câu Đài nhập môn cũng như các khai niệm cơ bản về  bộ môn câu tay thu vị này.

Đôi nét sơ lược về phương pháp Câu Đài

Theo các tài liệu lưu hành phổ biến về bộ môn Câu Tay thì Câu Đài có thể hiểu nôm na là một cách câu tay theo phương pháp của người Đài Loan. Kiểu câu này được cho là đã hình thành từ quá trình thực tiễn và ứng dụng lâu đời trên đặc điểm địa hình, môi trường, khí hậu, nguồn nước và nguồn cá tại Đài Loan.

Cách câu này cũng bắt đầu ảnh hưởng đến giới cần thủ tại Trung Quốc, vốn là Quốc gia có nhiều sự tương đồng về lịch sử và địa, chính trị với Đài Loan vào khoản cuối Thập niên 80.

Về phía các cần thủ Việt Nam, chưa ai biết và cũng chưa có tài liệu nào xác nhận về thời điểm mà cách câu theo kiểu “Đài” này du nhập vào. Tuy nhiên, rất có thể là chỉ khoản hơn 20 năm trở lại đây, khi mà bộ môn thể thao Câu Cá cũng đi cùng với sự cởi mở và phát triển về mọi mặt của Đất Nước.

Sự hấp dẫn của phương pháp Câu Đài

Khi phương pháp câu Đài được giới cần thủ Trung Quốc tiếp nhận nó đã thực sự tạo nên một trào lưu mạnh mẽ tại Quốc gia có khoản 2 tỉ dân này. Trải qua nhiều năm, cần thủ Trung Quốc đã đóng góp tích cực vào việc phát triển phương pháp Câu Đài theo chiều rộng và cả chiều sâu. Và, ở một mức độ nào đó, trên một số điều kiện nhất định, có người còn cho rằng kỹ thuật Câu Đài của các cần thủ Trung Quốc đã có phần nào vượt xa các cần thủ Đài Loan.

Và do vốn là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời với các giá trị truyền thống có phần bảo thủ, đã xuất hiện sự so bì không thể tránh khỏi giữa phương pháp Câu Đài với các phương pháp câu tay truyền thống. Cho đến tận bây giờ sự tranh luận vẫn còn tiếp diễn và chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Câu Đài – Kỹ thuật câu tay chuyên dành cho ao, hồ

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây phương pháp Câu Đài cũng được các cần thủ ưa chuộng không kém tai Trung Quốc hay Đài Loan, nhờ vào việc đây vốn là phương pháp câu cá mới mẻ được kết hợp hài hòa giữa khoa học và kinh nghiệm. Ngoài ra cũng phải kể đến việc các cần thủ Việt Nam ngày càng tiếp cận được đầy đủ và bài bản hơn với các trang thiết bị chuyên biệt cho Câu Đài.

Trong bối cảnh mà tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh đến chóng mặt và sự gia tăng dân số trên cả nước cùng với áp lực sản lượng lương thực, là sự sụt giảm về số lượng và chất lượng của các ao, hồ, kênh, rạch. Phần nhiều các ao, hồ và điểm câu tự nhiên do bị ô nhiễm hoặc san lấp để dùng vào xây dựng cô sở hạ tầng dân sinh. Trước tình hình “sân chơi” ngày càng bị thu hẹp như vậy thì việc các cần thủ đổ dồn vào các hồ câu giải trí, nơi thường đi kèm với các tiện ích và sự thoải mái để trải nghiệm niềm đam mê câu cá cũng là điều gần như tất yếu.

“Như cá gặp nước”, nhờ vào các trang thiết bị đầy đủ  hỗ trợ cho thao tác được nhanh nhẹn hơn, chính xác hơn và nhờ vào các bài mồi đa dạng để dụ cá đến với số đông, phương pháp Câu Đài ngày càng được áp dụng nhiều hơn, linh hoạt hơn trong địa hình ao, hồ và không ngừng đổi mới. Vì lí do đó, ngày nay Câu Đài còn được gọi là “Kỹ thuật câu cạnh tranh” (hay “Kỹ thuật câu thi”).

Nhập môn Câu Đài

Có thể khái quát lại các đặc điểm tạo sự khách biết giữa phương pháp Câu Đài và phương pháp câu truyền thống như sau.

Xu hướng dùng lưỡi câu nhỏ không ngạnh, dây nhỏ và cần nhẹ.

Lưỡi câu nhỏ, không có ngạnh

Trong bất kỳ cách câu nào, dùng lưỡi câu nhỏ là dễ hiểu vì lưỡi câu càng nhỏ thì càng ít làm cá nhát và do đó tăng khả năng bắt được cá.

 

Còn lưỡi câu không có ngạnh giúp cho thao tác gỡ cá dễ dàng hơn và nhanh hơn. Điều này thích hợp cho việc câu thi, đánh giải tại các hồ câu.

Trong một số trường hợp, sử dụng lưỡi câu nhỏ, không ngạnh còn có ý nghĩa nhân văn khi giảm độ sát thương lên cá, tăng khả năng cho cá sống sau khi được thả lại theo tiêu chí “Catch and Release“.

Dây câu nhỏ, thẻo buộc lưỡi dài, thẻo đôi so le nhau và chì treo

Việc sử dụng dây câu nhỏ, có độ trong suốt cao sẽ làm cho cá dạn ăn mồi hơn và cần thủ có xác suất lên cá cao hơn. Tuy nhiên, bù lại phải chọn loại dây tốt để đảm bảo tính hiệu quả trong lúc câu.

  • Dây Trục: đây là dây chính, tính từ đầu cần tới thanh quấn chì.
  • Dây Thẻo: là dây buộc vào lưỡi câu có đầu còn lại nối với vòng cao su

**Lưu ý: nên sử dụng dây thẻo nhỏ hơn và ít bền hơn dây trục vì khi xảy ra tình trạng lưỡi bị vướn vào các vật nặng dưới đáy hồ thì việc hi sinh một cặp thẻo, lưỡi sẽ là khôn ngoan hơn rất nhiều việc bị nổ, đứt dây trục và bị mất cả phao, chì. Chắc hẳn chúng ta không có ai muốn làm mất cái phao mà mình nâng niu đôi khi có giá trị lên tới vài trăm ngàn đồng nhỉ?!. Thông thường, dây thẻo sẽ nhỏ hơn dây trục khoản 0.2~0.5 mm.

Nói đến chiều dài của dây trong cách Câu Đài thì dây buộc lưỡi thường dài hơn kiểu câu thường. Đây là một đặc điểm và cũng là điểm mạnh của cách câu chì treo và của phương pháp Cậu Đài so với cách câu truyền thống. Thẻo lưỡi dài, chì nằm xa mồi đều là hai tiểu tiết rất hiệu quả trong việc làm cá dạn ăn mồi hơn.

Khi dây buộc lưỡi đôi dài, so le nhau, thì trong quá trình mồi và lưỡi chìm xuống đáy sẽ có độ dịch chuyển lớn tạo thành trạng thái gần với tự nhiên nhất. Theo suy luận logic và thực tiễn kiểm chứng  thì điều này sẽ làm cho cá dễ bị đánh lạc hướng hơn và dạn ăn mồi hơn.

Vậy thì, độ dài của dây thẻo trong phương pháp Câu Đài cần phải dài bao nhiêu là chuẩn?

Thông thường nhất, các cần thủ ưa chuộng dây thẻo Câu Đài dài trong khoản 15~30 cm. Khoản cách chênh nhau giữa 2 lưỡi câu là 3~4 cm.

Tuy nhiên, vẫn có thể linh hoạt tùy thuộc vào địa hình của điểm câu và điều kiện thực tế để thay đổi. Ví dụ như việc các cần thủ nhiều kinh nghiệm lúc mới bắt đầu buổi câu sẽ chọn lưỡi lớn và dây ngắn. Sau một lúc câu, cảm giác cá bắt đầu cảnh giác hơn, nhát ăn hơn thì họ sẽ chuyển qua sử dụng thẻo câu có dây dài hơn, lưỡi nhỏ hơn và thậm chí có khi còn sử dụng loại dây thẻo có tiết diện nhỏ hơn lúc bắt đầu.

Vậy còn tổng chiều dài của dây câu, tính từ đầu cần tới lưỡi câu, nên là bao nhiêu?

Theo một số tiền bối trong giới cần thủ tại Sài Gòn, thì toàn bộ dây câu trong phương pháp Câu Đài thường không dài quá độ dài của cần. Thông thường vào khỏan 2/3 hoặc dài bằng chiều dài của cần câu.

“Mồi thay thế chì”

Khi tiếp cận phương pháp Câu Đài, chắc hẳn các cần thủ chúng ta thường bắt gặp câu nói “mồi thay thế chì”. Điều này có phải nghĩa là đường dây câu có thể không dùng chì mà chỉ cần dùng mồi nặng để chìm xuống nước?

Lí giải ở đây, trong phương pháp Câu Đài, mồi thay thế chì không có nghĩa là sử dụng một đường dây câu không dùng chì. Mà nó có ý nghĩa về mặt độ nhạy của phao lúc này được tính dựa vào sự dịch chuyển của mồi câu chứ không phải dựa vào chì.

Như ta đã được biết, phương pháp Câu Đài vốn dĩ sử dụng kỹ thuật chì treo, tức là khi chì xuống nước sẽ không chìm xuống đáy và được phao câu nâng lên lơ lửng trong nước. Chỉ có mồi là chìm ở đáy. Và, khi chì lơ lửng có nghĩa là độ nổi của chì và phao đã cân bằng nhau. Vào lúc này nếu có tín hiệu phao là chắc chắn do có tác động lên cục mồi câu đang nằm ở đáy, dù là tác động rất nhỏ. Điều này giải thích vì sao phương pháp Câu Đài luôn rất nhạy cá.

Sẽ dễ hiểu hơn nếu ta suy ngược lại phương pháp câu truyền thống, khi mà chì nằm chạm đáy và mồi nằm gần chì. Trong phương pháp câu này, là khi cá chạm mồi nhưng không làm dịch chuyển chì thì phao cũng sẽ không báo tín hiệu hoặc báo tín hiệu rất kém. Người ta gọi đây là “điểm mù” và cũng là nhược điểm của thẻo câu truyền thống.

Phao Câu Đài có cây đuôi phao thường nhỏ và có kỹ thuật chỉnh phao độc đáo

Loại phao thường được sử dụng trong phương pháp Câu Đài là loại phao cây có đuôi phao nhỏ như cây tăm và có độ nổi lớn. Tùy vào điều kiện câu thức tế như câu xa hay gần bờ (tầng nước xa và gần bờ thường có độ sâu khác nhau), cá lớn hay cá nhỏ mà sử dụng phao to hoặc nhỏ, ngắn hoặc dài.

Về chất liệu, thường thấy nhất là các loại phao Đài là làm từ gỗ, cỏ may, long chim Công, sợi nano… Với mỗi loại chất liệu, sẽ lại phân nhóm dựa vào xuất sứ và chế tác đại trà (hàng chợ) hay chế tác thủ công. Các loại phao Đài dược chế tác thủ công hay có xuất sứ từ Đài Loan thường có giá cao hơn rất nhiều so với loại hàng chợ thông dụng.

Cần câu tay có chiều dài vừa phải và nhẹ

Cần câu sử dụng trong Câu Đài thường linh hoạt, không có nhiều hạn chế, có chăng là về chiều dài của cần câu. Phương pháp câu đài chuộng cần câu có chiều dài 3.6~4.5 m, vì trong khoản này sẽ đảm bảo việc nhìn rõ tín hiệu phao và có phản ứng kịp thời khi cá ăn mồi.

Việc chọn cần cũng tùy thuộc rất nhiều vào sở thích của mỗi người, có người thích chọn loại cần dịu có độ cứng 2~3 H, có người lại thích chọn loại cứng 5~8 H. Cho nên ở việc chọn cây cần như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào sở thích và cả điều kiện kinh tế cá nhân của mỗi người.

Tuy nhiên, cần Câu Đài nhẹ vẫn được ưa chuộng hơn cả vì trong quá trình câu tay hay câu thi thì cần càng nhẹ sẽ đảm bảo được sự thoải mái cho tay khi đóng hay dòng cá.

Mồi câu, mồi xả sử dụng riêng biệt hoặc hợp nhất

Khi phương pháp Câu Đài còn là điều mới mẻ và bài mồi câu của nó còn ít nhiều xa lạ với giới cần thủ Việt Nam, nhiều luồng ý kiến cho rằng phương pháp này hiệu quả có phần bởi sự hợp nhất giữa mồi câu và mồi xả.

Tuy nhiên, sau khi tiếp cận và nhuần nhuyễn nó rồi, nhiều cần thủ cho biết bài mồi trong Câu Đài ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản như Tính lan tỏa, Tính tan và Tính bám lưỡi thì trên thực tế kinh nghiệm đóng vai trò đặc biệt quyết định hơn cả. Và rất nhiều khi, trông như vậy mà không phải như vậy… tức là ở đây mồi xả mà mồi câu sẽ khác nhau.

Đơn cử như ở đây ta đặt ra trường hợp phản biện về việc “mồi câu cũng là mồi xả” là nếu xả nhiều quá sẽ dẫn đến việc kiểu như lờn câu hay việc cá ăn no và đâm ra ăn chậm hoặc không muốn ăn. Chỉ cần suy luận Logic thì ta cũng thấy ý kiến này có thể đúng.

Vậy, trong trường hợp này, việc chuẩn bị thêm một bài mồi khác chắc chắn sẽ là một giải pháp. Tuy nhiên, giải pháp chuẩn bị thêm bài mồi khác khi cá ăn chậm cũng là rất bất đắc dĩ và tốn kém về cả thời gian, công sức và cả tiền bạc. Hơn hết, trong lúc đang say mê câu mà buộc cần thủ chúng ta phải buông hết để đi trộn mồi mới thì… thốn còn gì bằng?!

Cho nên, các cần thủ có kinh nghiệm sẽ chọn cho mình một giải pháp rất ư là “kinh nghiệm”, đó là mồi xả luôn luôn đảm bảo các tiêu chí cơ bản nhưng sẽ ít “ngon” hơn mồi câu. Nôm na, mồi xả và mồi câu vẫn có cùng chung một loại mồi nền để dụ cá và giữ cá, nhưng mồi dùng để câu sẽ vẫn luôn ngon hơn chút ít để kích thích cá ăn hiệu quả hơn.

Kết

Càng thấm nhuần phương pháp Câu Đài, người ta càng nhận ra rằng phương pháp này sở dĩ hiệu quả vì nó khắc phục được ít nhất là hai nhược điểm của cách câu truyền thống. Đó là di chuyển cục chì ra xa khỏi phần mồi và vì chì treo lửng (phao và chì cân bằng) nên tín hiệu cá ăn mồi báo về phao là rất nhạy. Điều này giúp cho cần thủ kịp thời cảnh giác khi cá chạm vào mồi và đóng kịp thời khi cá ăn mồi.

Các công cụ và các bài mồi tốt cũng là một thế mạnh của phương pháp Câu Đài khi mà người câu ngày càng chìu con cá đến độ chúng trở tánh “đỏng đảnh” trở thành kén mồi hoặc thậm chí thay đổi cả tập tính ăn mồi.

Xin kết thúc phần Nhập Môn Câu Đài ở đây. Hi vọng nhận được nhiều góp ý và trao đổi tích cực của các cần thủ từ khắp nơi.

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Câu ĐơnCâu Lancer

Bí quyết tuyệt vời để chọn điểm câu cá

Bài viết này tôi sẽ chia sẻ những bí quyết mà tôi...

Câu Đơn

3 Yếu tố quyết định thành công của một buổi câu cá tự nhiên

Nếu bạn là một người mới bắt đầu đến với bộ môn...

Câu ĐơnReview Cần Câu

Top 5 cần câu tay GW tốt nhất hiện nay

Bài viết này mình sẽ tổng hợp những mẫu cần câu tay...

Câu ĐơnCâu LancerCâu LụcCâu Lure

Top 3 cửa hàng đồ câu cá uy tín nhất Việt Nam

Top 3 shop đồ câu cá uy tín nhất Việt Nam, xếp...