Chất liệu blank (phôi cần) cấu tạo bằng na no carbon xoắn X45, Khoen Fuji sic, bát máy fuji
Đối với câu nhái hơi ( Mồi nổi ) thì quan trọng là cần phải có độ cứng nhất định vì phải sốc lưỡi khi đóng nhưng cũng không nên cứng quá vì khi đóng cá sẽ làm rách mép, thịt của cá và là tuột lưỡi mất cá. Do đó theo tôi thì các bạn chỉ nên chọn cần có độ cứng là M hoặc đến MHF trong đó F= Fast /Nhanh (Cần cong khoảng 1/3 chiều dài tính từ ngọn cần).
Độ dài của cần thì tùy thuộc vào địa hình khu vực câu.: Thường thì các bạn hay dùng cần tầm trung là 2m1 nhưng thực tế mỗi khu vực, địa hình câu sẽ có độ dài phù hợp.
Khu vực vướng tầm nếm như bụi cây nhiều, hai bên chỗ đứng câu thường bị vướng thì dùng cần 1m6 đến 1m8. Khu vực trống hoặc ít vướng thì dùng cần có độ dài 2m1 – 2m4
Khu vực mặt nước cỏ cao hoặc sen, súng nhiều thì dùng 2m7 đến 3m để rễ đi mồi và ném xa.
Trong cách chọn lựa để mua cần câu phù hợp hơn cho từng bạn câu tôi sẽ chích dẫn một bài vết mà tôi thấy rất hợp lý và đúng ( lười đánh máy nhé các bạn thông cảm )
Chọn cần, đọc thông số
Cá quả, sộp, cá lóc là loài cá săn mồi mà đa số những người mới bắt đầu đều hầu như muốn chinh phục loài cá này. Và đối với những người mới bắt đâu luôn vấp phải vấn đề là làm sao chọn ra 1 cần câu vừa bền lại vừa phù hợp để chinh phục loài cá này. Chúng ta cùng đi giải quyết từng vấn đề một, những đặc điểm của một cần câu lure.
1. Chất liệu:
Cần câu đa số làm bằng 2 loại chất liệu cơ bản: sợi thủy tinh ( fiber glass) và carbon ( graphite).
Đặc điểm mạnh của loại chất liệu sợi thủy tinh là tạo ra độ cong đều từ đầu cần đến ngọn cần. Đồi với yêu cầu dùng mồi có độ action Medium (vừa phải), hoặc L (nhẹ) thì cần chất liệu sợi thủy tinh là lựa chọn tốt nhất. Thêm vào đó là cần được làm bằng chất liệu có giá thành thấp hơn, nên giá thành bán ra cũng dễ chấp nhận hơn.
Cần sử dụng chất liệu carbon giúp cần mạnh mẽ hơn so với cần dùng chất liệu sợi thủy tinh. Bằng việc dệt các modulus giống như một tấm vải mật độ các modulus đặc biệt dày hơn so với sợi thủy tinh tạo ra cần có phản ứng mạnh mẽ và linh hoạt hơn cần dùng chất liệu sợi thủy tinh. Tuy nhiên, đặc điểm cần lưu ý của cần dùng chất liệu carbon là tính giòn, cho nên muốn giữ được độ bền của cần carbon các cần thủ cần có kỹ thuật dìu cá tốt mới có thể dùng lâu dài.
Vậy chúng ta nên chọn cần như thế nào thì phù hợp? Cần câu cá lóc cần loại cần phản ứng tốt linh hoạt, và đặc biệt chịu lực tốt. Trong một số trường hợp cần câu chất liệu carbon là ưu tiên khi chọn cần để câu lure lóc.
2. Chiều dài:
Việc chọn chiều dài cần như thế nào để phù hợp dùng câu lure lóc gây ra không ít phiền não cho các cần thủ mới bắt đầu với kiểu câu lure lóc này! Trên thực tế chúng ta nên chọn chiều dài cần câu trong phạm vi mà mình có thể sử dụng.
Thông thường sử dụng cần câu lure chiều dải dao động từ 1m8 – 2m4. Dựa vào địa hình khu vực đánh và tầm sử dụng của người câu mà chọn chiều dài cần sao cho phù hợp.
3. Thông số kỹ thuật:
Thông số kỹ thuật của cần câu lure thường được mô tả bằng những biệt từ, ví dụ như “action”, “Power”. Trong action thì chia ra S (Slow ); M (Medium hay Moderate); MF (Medium Fast); F (Fast); EF (Extra Fast). Còn Power thì phân ra UL (Ultralight); L (Light); ML (Medium Light) ; M (Medium); MH (Medium Heavy); H (Heavy); XH (Extra Heavy). Đây là những thông tin rất quan trọng về cần câu mà bạn không nên bỏ qua vì vô cùng hữu ích trong việc chọn đúng cần, đúng kiểu câu, chỗ câu, loại cá muốn câu của bạn.
UL: Ultra Light /Rất mềm
Thường dùng cho câu lure suối, câu chày, mương, rô phi, câu cá tráp (cá hanh), câu “cảm giác mạnh”. Thích hợp các con mồi thìa, mồi nhỏ trọng lượng từ 1 – 5g
L: Light /Mềm:
Tuy không mềm như cần UL nhưng cần L cũng đem lại cảm giác thích thú. Phù hợp con mồi có trọng lượng nhẹ. Thích hợp khi sài mồi trọng lượng từ 2 -7g
ML: Medium Light /Tương đối mềm
Cảm giác một cách an toàn. Thường dùng để câu trong đầm nước mặn, câu được đa số các loại cá trong đầm trừ cá mú.
M: Medium /Trung bình
Bất chấp cá đầm nước mặn, nại cá mú hơi mệt.
MH: Medium Heavy /Tương đối cứng
Dùng để câu đa số loại cá nhưng ít còn cảm giác, đặc biệt phù hợp để câu cá lóc, cá mú.
H: Heavy /Cứng >>> Dành cho dân bạo lực.
EH/ HH:
Rất cứng, chuyên giành đặc trị cá siêu khoẻ.
Power và Action (sức mạnh và độ cong) là hai tiêu chuẩn quan trọng để mô tả kết cấu cần câu, ta cần phải hiểu rõ để phân biệt.
Action là đề cập đến độ cong xuống của cần câu khi có sức kéo từ đầu cần (nói cách khác là cần uốn cong xuống cỡ nào khi đầu cần bị kéo xuống) và thẳng trở lại nhanh đến mức nào nếu sức kéo đó được giải phóng. Action được xác định bởi chất liệu, kích cỡ, độ dày và độ thon của blank cần. Action (độ cong) được ghi chú trên thân cần theo cấp độ: S (Slow – chậm); M (Medium hay Moderate – trung bình); MF (Medium Fast – trung bình nhanh); F (Fast – nhanh); EF (Extra Fast – rất nhanh). Độ cong càng ít thì chất liệu thân cần càng cứng.
Cần Slow Action cong xuống khoảng 3/4 chiều dài cần, tức là cong từ ngọn đến gần bát máy. Đó có thể là một lợi thế khi chiến đấu với cá lớn mà chúng hoảng hốt bơi sát ngay cạnh thuyền, đặc biệt là với dây nhỏ. Lưu ý rằng cần này rất mềm dẻo, nên bạn có thể bỏ lỡ nhiều cú chạm mồi xảo quyệt của cá và sẽ không có nhiều sức mạnh đóng lưỡi khi dây tuôn ra nhiều. Với ngọn cần khá mềm mại, loại cần này ném mồi đi rất xa.
Cần Medium Action cong xuống đến khoảng giữa blank cần. Vì chúng có độ uốn cong rất tốt nên rất tuyệt vời cho việc quăng mồi lure nhỏ đi xa hoặc cho câu mồi sống mà không bị hất mồi ra khỏi lưỡi.
Cần Medium to Slow (từ vừa đến chậm) thường được lựa chọn khi câu với loại mồi lure di chuyển nhanh, có lưỡi ba chấu như crank baits, rattle baits và jerk baits. Những loại mồi này cần có kiểu trình diễn không đòi hỏi nhiều về độ nhạy mà tập trung nhiều hơn vào việc giữ cá khi đã mắc câu. Đường kính của lưỡi ba chấu thường mảnh hơn lưỡi đơn nên ít đòi hỏi lực đóng.
Cần Fast Action cong đến 1/3 chiều dài cần. Chúng quăng xa rất tuyệt và chính xác hơn loại cần *Extra-fast. Chúng cũng mang lại nhiều cảm giác. Độ cứng của cần cho sức mạnh đóng cá và lôi được cá ra khỏi những chỗ rậm, dày.
Cần Extra-Fast Action cong chỉ ở phần ngọn, khoảng 15-20% chiều dài cần. Loại cần này có blank (thân cần) rất khỏe, phản ứng nhanh, nhờ độ cứng của blank nên chuyển nhanh và hiệu quả những rung động đến tay câu thủ. Loại cần này rất được ưa chuộng trong việc kéo cá ra khỏi những bụi rậm và thảm cỏ dày. Chúng tuyệt vời cho câu gần, nơi mà việc quăng xa và chính xác không được đặt nặng. Chúng rất phù hợp với các kiểu câu cần các thao tác ném, liệng, tung hất hay búng, vụt nhẹ, lật mồi…Độ nhạy và sức mạnh đóng lưỡi siêu khỏe giúp cho chúng trở thành loại cần được lựa chọn cho câu mồi jig nặng, mồi spinner bait, swimbait,
Mặc dù blank cần Extra-Fast cung cấp độ nhạy xuất sắc, tiếp cận hiệu quả nhờ sức mạnh của blank nhưng đọt cần Extra-Fast cũng có thể chống lại bạn khi chiến đấu với cá. Vì cần Extra-Fast bật trở lại trạng thái ban đầu rất nhanh nên đọt cần khó duy trì áp lực thích hợp để giữ cho mồi được an toàn. Vì khi đóng cá, một blank cần cứng khỏe đang ở trạng thái căng quá mức có thể sẽ làm cho lưỡi câu xé rách miệng cá, hoặc làm cho vết xuyên thấu của lưỡi câu trong miệng cá to hơn, khiến mồi dễ bị bong ra. Độ căng không đủ cũng góp phần làm cá phun mồi ra khỏi miệng.
Thêm nữa, khi con cá hất mồi, dây lỏng ra, sau đó dây đột nhiên bị siết chặt, lực hất mồi của cá kết hợp với sức mạnh của cần có thể gây ra hiện tượng lưỡi câu kéo một phần miệng, môi, hay bắp thịt của cá, bạn không chỉ mất cá mà tệ nhất là làm cho cá bị tổn thương vĩnh viễn (nếu bạn có ý định thả cá lại). Lúc này, cần có action Fast sẽ hợp lý hơn. Blank của cần có action fast có đầy đủ sự nhạy cảm của cần Extra-Fast, nhưng lại cong nhiều hơn. Sau khi đóng lưỡi, đầu cần đàn hồi hơn nên cung cấp khả năng chiến đấu với cá tốt hơn.
Việc cong từ đọt đầu cần dần xuống thân cần có thể giúp giảm shock khi cá làm mồi lỏng ra và hất mồi, duy trì trạng thái căng dây hợp lý. Cần Fast Action thường được các cần thủ quốc tế ứng dụng cho những kỹ thuật mà yêu cầu về độ nhạy ngang bằng với khả năng chiến đấu như Jigs, thẻo mồi Texas, Carolina mồi trùng, quăng vào các điểm cỏ thưa.
So với cần có action fast, cần Slow Action bật trở lại vị trí ban đầu chậm hơn rất nhiều. Với đặc tính này, sức căng thích hợp của cần Slow sẽ giúp cần thủ dễ dàng hơn trong việc giữ cho lưỡi cài chặt vào cá khi chúng có xu hướng làm lỏng và hất mồi ra khỏi miệng. Loại cần câu này cũng phản ứng tốt hơn trước những hành động đột ngột của cá, ví dụ như, nếu một con cá khoảng 2kg lao đến như tên bắn, cướp mồi và chạy ra xa thật nhanh, người câu thường không kịp phản ứng để có thể thực hiện các thao tác như nhả dây, tăng áp lực đóng lưỡi…Lúc này, nếu dùng một cây cần có action slow có độ cong xuống đều đặn, mềm mại, khả năng bật lên trở lại chậm sẽ cho cá đủ thời gian nuốt mồi, đổi hướng, bơi đi và tự đóng lưỡi. Rõ ràng trong tình huống này, người câu không cần phải chiến đấu với cá, chỉ với vài chục cm dây, cần thủ có thể dựa vào độ cong của cần để giữ vững sự mắc câu của cá, cùng với việc ứng phó với mỗi cú giãy làm lỏng lưỡi, hất mồi và nhảy vọt lên trên mặt nước của cá.
Action cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của việc quăng mồi và khoảng cách quăng. Cần Slow cong hơn vì vậy quăng mồi lure đi xa mà ít nỗ lực hơn loại Fast. Nhiều cần thủ thích cần có action fast để được nhạy hơn và phản ứng nhanh hơn.
Làm thế nào để kiểm chứng được action của cần? Cách kiểm tra là chạm đầu cần câu vào trần nhà, cho khoen hướng lên trên, nắm thật vững và nâng đuôi cần lên. Tăng dần áp lực cho đến khi cây cần đạt mức cong tối đa.
Power là nói đến độ mạnh của cần câu, nghĩa là sức mạnh mà nó chống chịu khi cần cong xuống, hay nói cách khác: đó là độ cứng cáp của cần để kéo cá. Người câu thường chọn độ mạnh của cần dựa vào thông số dây, mồi được in trên cần. Dây và mồi càng lớn thì cần càng khỏe (mới điều khiển mồi hiệu quả). Một số cần lure có khả năng điều khiển mồi mạnh hơn con số khuyến nghị của hãng ghi trên cần (thường là của các hãng sản xuất lớn), nhưng số khác thì không, do vậy cần cân nhắc khi thực hiện trái với hướng dẫn, lâu dần sẽ dẫn đến hiệu suất giảm, góp phần làm cho cần bị hỏng hóc sớm.
Action và Power là hai chỉ tiêu hoàn toàn khác nhau nên không thể thay thế cho nhau như nhiều người nhầm tưởng. Action đề cập đến độ cong xuống của cần và Power là nói đến sức chống chịu của cần để cong xuống khi tải nặng. Vậy những thuật ngữ này giúp được gì trong việc bắt cá? Hiểu rõ các tiêu chuẩn thiết kế và đặc tính vốn có của một blank cần sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo ra cơ hội mang cá về. Cá càng lớn hay chướng ngại dày đặc thì cần càng phải cứng, khỏe (Power cấp độ cao) còn Action là đặc điểm quan trọng nhất khi đề cập đến kỹ thuật trình diễn.
Lưu ý: Không có tiêu chuẩn chung cho Action và Power trong nghành công nghiệp chế tác cần câu. Một cây cần action Fast, power Medium như Daiwa sẽ khác với cây Shimano cũng có action Fast và power Medium.
Các loại Khoen cần lure hiện nay
Hiện nay các loại cần câu cá gồm rất nhiều loại khác nhau được sản xuất bởi cả những thương hiệu uy tín đến những thương hiệu nhỏ hơn chỉ có ở một số thị trường.
Hầu hết các cần câu cá đều sử dụng khoen, trừ loại cần câu tay. Khoen cần câu cũng có sự khác biệt, khác nhau giữa các cần câu, tùy vào giá thành và mục đích của cần câu.
Phần lớn các cần câu hiện nay được sản xuất sử dụng 2 kiểu khoen: Là khoen một chân và khoen 2 chân. Tuy nhiên vẫn có các loại khoen câu khác để phù hợp hơn với các mục đích câu khác, như: Khoen K – Tangle Free hay khoen Micro (KR Concept”).
Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 3 loại khoen, còn loại khoen Micro sẽ có một bài viết chi tiết hơn nữa.
Khoen một chân
Trong 2 loại khoen thường sử dụng là khoen một chân và khoen hai chân, thì khoen một chân cho cảm giác tốt hơn và nhẹ hơn. Loại khoen một chân thường được sử dụng vào các loại cần câu máy đứng. Ban đầu, loại khoen này chỉ được sử dụng cho các loại cần câu có actuon từ Medium đến Light, sau đó, qua nhiều cải tiến, thì khoen cần câu một chân đã có thể sử dụng cho các cần câu đứng hạng nặng để có thể kéo các loại cá lớn.
Khoen hai chân
Mục đích chính của khoen hai chân khi được tạo ra là để cung cấp thêm sức mạnh khi kéo cá, tuy nhiên, loại khoen này cho cảm giác không tốt như khoen một chân. Thường loại khoen hai chân này sẽ được sử dụng trong các cần câu casting hay các loại cần câu có sức chịu tải lớn.
Khoen K – Tangle Free
Với các kiểu khoen thông thường trên thì khi sử dụng với dây bện braid thì sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng dây bện bị quấn vào khoen cần câu, gây rất nhiều phiền toái và nguy hiểm cho cần câu.
Vào năm 2009, Thương hiệu Fuji đã tạo ra loại khoen mới đó là khoen K – Tangle Free, đây là giải pháp giải quyết vấn đề vướng mắc của các loại khoen kia. Đây là loại khoen cực kỳ độc đáo, mà để tạo ra nó, các kỹ sư của Fuji đã phải mất đến 5 năm để nghiên cứu và thiết kế. Với loại khoen câu này, thì dây luôn được tuôn ra một cách hoàn hảo bởi 3 thành phần quan trọng:
Khung khoen: Ở kiểu khoen này, thì khung chứa vòng khoen được thiết kế loe rộng ra ở phần chân, lớn hơn cả đường kính của vòng khoen.
Bề mặt khung của vòng khoen: Sẽ được làm bằng Titanium, đây là loại vật liệu có khả năng chống ăn mòn, trọng lượng nhẹ và có độ bền cao. Một yếu tố nữa là Titanium có độ bóng cao lại cực kỳ mịn màng nên khi làm khung khoen bằng vật liệu này thì đảm bảo ít ma sát, giúp cho dây tuôn ra không có cơ hội dừng lại để khiến nó bị rối.
Vòng khoen:
Kiểu khoen K – Tangle Free có khoen có xu hướng nghiêng nehj về phía trước để giúp các phần dây bị tạo thành vòng hay các đám rối phải di chuyển ra phía trước và chúng sẽ tự xử lý phần rồi của mình.
Chất liệu khoen
Sự phát minh ra khoen cần câu có thể được xem là một thành tựu vô cùng giá trị. Khoen giữ cho dây có một khoảng cách nhất định so với cần câu để việc quăng mồi được thuận tiện, xa và chính xác. Bề mặt trơn, láng của lòng khoen giúp hạn chế sự ma sát, sự sinh nhiệt khi dây chà xát vào khoen. Đi qua khoen, dây sẽ tránh được các rắc rối như bị tưa, bị cứa hay bị mài mòn. Khoen còn định hướng được mục tiêu cho dây, giống như nòng súng và viên đạn vậy. Thử tưởng tượng xem, nếu không có khoen thì câu cá lớn sẽ gặp khó khăn như thế nào? Khoen cần còn đóng vai trò rất lớn trong việc tạo độ nhạy và cải thiện khoảng cách ném mồi cho cần câu. Những loại khoen có trọng lượng nhẹ và chất lượng cao, có tác dụng truyền rung động của dây câu đến cần và sau đó đến tay người câu. Còn mức độ nhạy bén thì còn tùy vào số lượng khoen và vị trí của khoen trên cần .
Ngược dòng thời gian, từ năm 1770, khoen đã bắt đầu hiện diện trên cần câu cá. Nhưng đến năm 1960, mốc thời gian xuất hiện chất liệu gốm ở vòng khoen, thì kỹ nghệ làm khoen mới thực sự đột phá (trước đó, khoen chủ yếu có khung được làm bằng kim loại, vòng khoen mạ Chrome).
Sự có mặt của gốm đã loại bỏ việc thay khoen vì lý do bị mòn. Tuy nhiên, phương pháp này không ổn: Khoen trở nên nặng nề và phần gốm chèn bên trong dễ dàng rơi ra khi có chấn động. Sự nghiên cứu lại được tiếp tục và người ta cải thiện tình hình bằng cách gắn chặt gốm trực tiếp vào khung kim loại. Từ đó, vật liệu làm khoen cần đã được nghiên cứu hết sức nghiêm túc, tập trung vào các yếu tố như độ cứng, trọng lượng, độ tản nhiệt, độ bền, giá thành và những lý do thiết thực khác. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Trọng lượng khoen, chất lượng khoen, số lượng khoen, vị trí gắn khoen trên cần có ảnh hưởng rất lớn đến sức chiến đấu của cần câu, độ nhạy và cả năng lực quăng mồi.
Trong thế giới cần câu, cần “đắt” nhiều hay “đắt” ít còn phụ thuộc vào chất liệu của khoen. Vấn đề đặt ra là: Độ tản nhiệt của khoen rất quan trọng với những cây cần câu biển (đặc biệt là câu nước sâu) thường gặp các tình huống cá lớn mắc câu chạy nhanh, khỏe, tạo ma sát lớn. Nhưng tính năng này lại không mấy quan trọng với những ai câu cá Bass (một loại cá cùng họ với cá Chẽm). Do vậy các tay câu Bass sành sỏi chỉ yêu cầu khoen cần nhẹ, bền, số lượng khoen thích hợp và được đặt đúng chỗ… Vậy loại khoen nào là phù hợp cho kiểu câu của bạn? cho túi tiền của bạn?
Dạo quanh thị trường để tìm hiểu đồ câu, người mua sẽ như bị lạc vào ma trận những mô tả về các loại khoen cần. Mọi thông điệp đều hết sức ngắn gọn và khó hình dung, kiểu như: “Loại cần này có khoen SiC nên đắt. Loại này là khoen thường. Loại kia là khoen gì gì đó xếp sau SiC… chắc là Alconite”. Lại hỏi khoen SiC khác với Alconite như thế nào? Tại sao cần câu có bộ khoen SiC thì đắt tiền hơn rất nhiều so với các loại khác…thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Về chất liệu làm ra khoen cần, phải nhắc đến các loại chất liệu do hãng Fuji Kogyo chế tác. Fuji là một hãng sản xuất khoen cần câu rất danh tiếng. Tên tuổi của hãng không chỉ ở trong phạm vi nước Nhật, mà còn lan tỏa trong cộng đồng câu cá khắp thế giới.
Gold Cermet: Loại vật liệu đặc biệt này “được chỉ định” khi muốn nâng “tầm” cho cần “độ”. Dùng kim loại vàng để làm khoen cũng được một số hãng khác ứng dụng nhưng họ chỉ bọc lót lòng khoen bằng vàng. Gold Cermet của Fuji là một loại chất liệu rất độc đáo, có sự kết hợp giữa gốm (ceramic) và vàng (gold). Sự kết hợp này tạo ra một loại khoen rất đẹp, có độ bền của kim loại và độ rắn chắc của gốm. Chân và khung của khoen được làm bằng Titanium. Khâu cắt, mài và đánh bóng đều bằng dao có mũi kim cương do đội mỹ thuật của hãng phụ trách. Gold Cermet là niềm kiêu hãnh của hãng Fuji, đó cũng là loại khoen trơn mượt nhất, nhẹ nhất nhưng cũng mạnh nhất của thế giới khoen cần câu.
Silicon Carbide (còn gọi là SiC): SiC là một trong những loại gốm sứ cao cấp nhất hiện nay. SiC cứng nhất và cũng bền nhất do vậy khoen SiC đặc biệt thích hợp với dây braid. Khoen SiC được mài và đánh bóng bằng mũi dao kim cương nên rất láng, mượt. Vòng SiC được gắn trực tiếp vào khung khoen nên rất nhẹ, tăng độ tản nhiệt và rất nhạy.
Silicon Nitride II: Silicon Nitride II là phiên bản cải tiến của loại Silicon Nitride, hoàn hảo hơn và phù hợp với cần câu hạng nặng. Vòng gốm Silicon Nitride II được thiết kế sử dụng như bạc đạn (ball bearing) trong động cơ phản lực nhờ vào độ cứng cũng như khả năng chống ăn mòn của loại gốm này. Nếu Silicon Nitride II có thể xử lý nhiệt và chống ma sát trong động cơ phản lực thì thử tưởng tượng xem, việc bắt cá lớn sẽ hiệu quả thế nào. Và nếu có loại khoen nào được làm cho dây kim loại, thì đó chính là Silicon Nitride II. Silicon Nitride II có sức mạnh và độ bền cao, phù hợp với mọi cần câu nước mặn
Alconite: Các kỹ sư của hãng Fuji luôn đau đáu làm thế nào để có một loại khoen nhẹ hơn nhưng mạnh hơn và giảm được chi phí. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã cho ra đời vật liệu Alconite, một loại gốm đặc biệt: rất nhẹ, mạnh mẽ, và bền. Thực tế cho thấy, Alconite mạnh hơn 80%, và nhẹ hơn 20% so với Oxide Nhôm ( Aluminum Oxide). Ngoài ra, công đoạn đánh bóng bằng mũi dao kim cương làm cho vòng khoen Alconite trơn mượt hơn so với vòng khoen Hardloy.
Hiện nay, Alconite được đánh giá là vòng gốm mỏng nhất, thậm chí nếu so với vòng gốm SiC danh giá thì Alconite nhẹ hơn đến 7%. Khi đi cùng với loại khung thế hệ mới thì đạt một kết quả ấn tượng: Nhẹ hơn 35% và mạnh hơn đến 50% so với các loại khoen thông thường.
Hardloy: Hardloy từng là một giải pháp về chi phí, sự đáng tin cậy, hiệu quả sử dụng cao của người đi câu trong rất nhiều năm. Hardloy được làm bằng hỗn hợp Oxide Nhôm cao cấp, pha trộn theo công thức đặc biệt. Sự pha trộn này giúp tạo ra vòng gốm Hardloy có sức nén cao, nhẹ, bền và độ tản nhiệt lớn. Khoen Fuji Hardloy là loại khoen phổ biến nhất của hãng Fuji.
Aluminum Oxide: Ý tưởng độc đáo sử dụng gốm sứ để làm khoen cần câu có từ hơn 40 năm trước với việc giới thiệu Aluminum Oxide, được gọi là khoen “Hard Ring”. Với loại vật liệu này, hãng Fuji đã bắt đầu một cuộc cách mạng về khoen cần và trở thành trụ cột cho các nhà sản xuất cần câu và câu thủ từ đó đến nay.Tất cả các vòng Aluminum Oxide đều được đánh bóng bằng dao mũi kim cương nên rất mịn.
Titanium: Đây là loại vật liệu rất đắt tiền. Titanium có tính năng đặc biệt là nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu ngay cả khi bị bẹt dí. Titanium cũng nhẹ hơn từ 4-5 lần so với các loại khoen tương tự. Khả năng chống ăn mòn của khoen Titanium rất cao. Khoen Titanium không chèn gốm vào lòng khoen do vật liệu này rất cứng khỏe nhưng lại rất mềm dẻo.
Nhiều người nói rằng, thật khó mà phân biệt giữa khoen SiC và Alconite hay Hardloy và Aluminum Oxide nếu không có chuyên môn hoặc đã “kinh qua” nhiều loại cần. Vậy nên, để “chắc ăn”, họ chọn mua hàng chính hãng hay ở nơi bán đáng tin cậy để thông tin về loại khoen cần là trung thực.
Dây (line)
Line: sức tải dây, thường tính đơn vị là pound (lb).
Ví dụ: 8-16lb, cần tải tối đa dây chịu 16lb, nếu hơn có nguy cơ gãy cần. Cái này cần nói thêm, dân Việt Nam hay thích kiểu “ăn chắc mặc bền” nên xài dây to hơn gấp đôi, có khi gấp 3. Khi dính cá lớn, dây có thể không đứt nhưng cần lại chưa chắc chịu nổi >>> gãy cần.
Nếu bạn thấy bài viết có ý nghĩa hãy chia sẻ cho bạn bè cùng tham khảo.
Leave a comment