Để so sánh câu giữa các loại cá nước ngọt, câu trắm được xếp vào hạng khó câu nhất. Xuất phát từ đặc tính loài trắm ít ăn tạp, luôn cẩn thận và đề phòng, khoang miệng rộng dễ nhả mồi cho nên khi câu các cần thủ rất nhiều lần cả ăn mà vẫn giật cần hụt. Hơn nữa trắm sống ở mức nước sâu hơn so với các loài khác, cho nên câu trắm thường khó câu. Do vậy, trừ lúc câu ăn may được trắm, khi cần thủ chúng ta xác định vác cần đi câu trắm cần phải bỏ công sức một chút, hiểu về tập tính loài trắm và chuẩn bị mồi dù có đơn giản nhưng vẫn phải có mẹo trong đó. Đây là bài mồi mình thường chuẩn bị nhanh để đi câu trắm, đặc biệt những lúc về quê hay lên quê ông bạn câu hồ thủy điện, với loại mồi này bạn không cần bỏ nhiều thời gian và công sức, chỉ cần chuẩn bị trước một chút và với các nguyên liệu đơn giản là có thể vác cần đi và xách trắm về rồi.
Tuy nhiên, mồi này mình chỉ làm cho những hồ hoang dã tự nhiên mà nước không quá nông, nước trong và sạch. Nếu các bạn xác định câu trắm khổng lồ, câu ở khu vực nước sâu, đập, hồ rộng thì các bạn nên chuẩn bị loại mồi câu trắm đen khổng lồ của mình tại đây để tăng độ nhạy. Tất nhiên hồ lớn nước sâu thì cá sẽ to hơn, khỏe hơn do vậy khâu chuẩn bị phải công phu và cẩn thận hơn là đúng rồi.
Mồi này ngoài câu trắm ra còn được cả chép củ và trôi, thi thoảng cũng được cả chim trắng và mè nhưng hiếm. Mồi có thể dùng để câu lục, nếu các bạn làm để câu lục thì các nguyên liệu ở dưới có thể chuẩn bị gấp đôi hoặc gấp ba để câu được lâu và thả được nhiều điểm câu, nếu câu lăng xê thì chỉ cần như vậy là quá đủ cho một buổi câu rồi, và nếu các bạn câu đơn thì xay nhuyễn ra và cho thêm cám để tăng độ dính.
Các nguyên liệu cần chuẩn bị và cách làm như sau:
- Cám chim và bột ngô với tỷ lệ 1:3 hoặc 50/50 trộn chung ngâm qua đêm cho đếm khi hỗn hợp có mùi chua chua là được. Không ngâm quá nhiều nước tránh khi trộn mồi bị loãng và nhão.
- Lá tàu bay, lá rau muống mỗi loại một nắm nhỏ. Trắm không quá thích mùi tanh của động vật mà thích mùi tanh của thực vật. Mồi này mình cho lá tàu bay câu trắm 8/10 là có trắm cỡ vừa cho đến trắm củ xách về. Thái và băm hoặc xay nhuyễn hai loại lá này, khi băm nhuyễn khi thả mồi xuống nước mùi thơm của lá sẽ lan nhanh hơn và dụ cá cũng sẽ nhanh hơn bình thường
- Khoai lang 2 củ nhỏ, luộc chín bóp nhuyễn sau đó ủ chua khoảng 2 ngày, khi này khoai vừa có mùi chua và thơm. Cho khoai vào là để chống cháy, nếu khu vực câu ít trắm thì sẽ có chép ăn vì chép thích ăn mồi chua và thơm.
- Thính rang (cám gạo) rang lên thật thơm
- Bột mỳ tăng độ kết dính
- Nước
Sau khi chuẩn bị xong tất cả các nguyên vật liệu thì cho vào thau bóp nhuyễn đều, cho đến khi hỗn hợp mồi không bị quá nhão và dính, hoặc là quá bở. Nếu như hỗn hợp mồi quá bở chỉ cần cho thêm một mỳ cho đến khi dính dẻo, nếu hỗn hợp mồi quá nhão và dính thì cho thêm ít cám gạo hoặc cám ngô rang là được.
Mồi này mình dùng để câu ngay trong ngày, thường khi nghỉ 4-5 ngày về quê ông bạn lên hồ thủy điện câu. Mình lưu ý thêm một lần nữa đó là khu vực câu không quá sâu và hồ không quá rộng, nếu hồ hoặc ao sông rộng thì nên chuẩn bị mồi công phu hơn và cho cả ốc tươi như bài mồi trước của mình thì khi câu sẽ hiệu quả hơn.
Chúc các bạn thành công !
Leave a comment