Review Cần Câu

Tìm hiểu các loại khoen cần câu phổ biến hiện nay

Bài viết này sẽ giúp các bạn có thể hiểu khái quát về các loại khoen cần câu phổ biến và đặc tính cơ bản của từng loại. 

Khoen một chân
Hiện nay, đa số các loại cần câu được sản xuất với kiểu khoen một chân và hai chân. Khoen một chân nhẹ hơn và nhạy cảm hơn. Loại này dùng để gắn vào các loại cần câu đứng (spinning). Mặc dù ban đầu chỉ được sử dụng cho loại cần có action từ Medium (M) đến Light (L), nhưng sau đó khoen một chân đã có nhiều cải tiến để tương thích với sức kéo cá lớn của cần câu đứng hạng nặng.

Khoen hai chân
Được thiết kế để cung cấp thêm sức mạnh khi kéo cá, nhưng lại thiếu nhạy cảm. Thường được dùng trong dòng cần casting hoặc cần câu cá lớn.

Khoen K – Tangle Free
Bất kỳ ai đã từng câu dây braid trong một thời gian dài đều không tránh khỏi tình trạng dây bị quấn vào khoen cần. Điều này thật phiền hà. Đôi khi còn nguy hiểm cho cần câu.


 

Từ năm 2009, cộng đồng câu cá thế giới hào hứng đón nhận khoen K -Tangle Free của hãng Fuji như một giải pháp gỡ rối dây bị thắt nút mà không cần có sự can thiệp của người câu. Để có được kiểu khoen độc đáo này, các kỹ sư của hãng đã mất gần 5 năm nghiên cứu và thiết kế. Hiểu một cách đơn giản, khoen K-Tangle Free giúp dây tuôn ra một cách hoàn hảo trước khi chúng có cơ hội trở thành một “đám” rối nhờ vào 03 yếu tố quan trọng:

– Khung khoen (Frame): Khung chứa vòng khoen được thiết kế loe rộng ra ở phần chân, lớn hơn cả đường kính của vòng khoen. Nếu dây bị rối tích tụ xung quanh khung sẽ hướng về phía vòng khoen.

– Bề mặt khung (Surface): Bề mặt của khung khoen được làm bằng Titanium, loại vật liệu có khả năng chống ăn mòn, trọng lượng rất nhẹ và có độ bền tuyệt vời. Độ bóng của Titanium cũng rất cao lại cực kỳ mịn màng nên dùng làm khung khoen sẽ đảm bảo ít bị ma sát, dây không có cơ hội “nán lại” để tạo rối. Một số loại khác được làm bằng thép không gỉ.

– Vòng khoen (Ring): Vòng khoen trong kiểu khoen K- Tangle Free có xu hướng nghiêng nhẹ về phía trước giúp cho các phần dây bị tạo thành vòng hoặc đám rối ( nếu có) di chuyển ra phía trước khoen cho đến khi chúng “tự xử lý” phần rối của mình.

1- Khung khoen; 2 – Bề mặt khung; 3 – Vòng khoen

Khoen Micro (“KR Concept”)
Đến nay, kiểu khoen Micro của hãng Fuji đã được gần 4 năm tuổi. Còn nhớ vào năm 2009, tại triển lãm ICAST- Mỹ, khoen Micro (các kỹ sư Fuji gọi là khoen “KR Concept”) lần đầu tiên được giới thiệu một cách công khai với công chúng, dù trước đó đã được các tay chơi cần độ ở Mỹ thử nghiệm. Tại đây, các chuyên gia của hãng Fuji đã làm cho quan khách và giới truyền thông hết sức kinh ngạc trước một kiểu khoen rất nhỏ (2-5mm) nhưng có khả năng thật đáng khâm phục. So với các kiểu khoen thông dụng, khoen “KR Concept” nhẹ hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn trong việc giải phóng nhiệt do ma sát gây ra. Loại khoen này cũng được gắn theo khung khoen mới nhất của hãng: Khung K-Tangle Free.

Khoen KR Concept của hãng Fuji

Mặc dù ý tưởng phát triển ra sản phẩm này xứng tầm là một ý tưởng vĩ đại, nhưng nguyên lý tạo ra khoen “KR Concept” lại rất đơn giản: Đó là sử dụng kết hợp loại khoen nhỏ mới với một công thức sắp đặt vị trí của chúng trên thân cần.

Thực tế cho thấy, khi sử dụng cần câu với loại khoen “KR Concept”, dây ra nhanh hơn, giảm sự “ngoằn ngoèo” của dây khi chúng rời máy câu và bắt đầu chạy vào khoen đề -pa (khoen lớn gần nhất với máy). Từ đó, dây sẽ tuôn thẳng một mạch và gần như không chạm vào thân cần bởi các chuyên gia thiết kế đã tăng số lượng khoen nhiều hơn. Chỉ cần đặt khoen “ KR concept” vào đúng vị trí qui định trên thân cần sẽ có được một chiếc cần câu nhẹ hơn, nhạy hơn và quăng xa hơn.

Khoen “KR Concept” giúp dây ra nhanh hơn, làm giảm sự “ ngoằn ngoèo” của dây…

Đọc đến đây nhiều người rành câu sẽ lấy làm thắc mắc: Lý nào? Khi nhiều khoen hơn là sẽ có nhiều ngăn trở hơn và vì thế sẽ giảm khả năng ném xa, độ nhạy cũng sẽ giảm đi rất nhiều(?).

Không hẳn vậy. Nhiều khoen nghĩa là có nhiều sự tiếp xúc với dây, kiểm soát được đường đi của dây mà vẫn cải thiện được độ nhạy. Do mỗi khoen “KR Concept” giống như một phần tử rất nhỏ, sẽ cảm nhận được những rung động tinh tế nhất từ dây. Những tín hiệu này sẽ được khoen truyền tải đến thân cần câu và sau đó đến tay người cầm. Do khoen quá nhỏ và ngắn nên tín hiệu hầu như không mất đi chút nào khi chuyển sang tay người. Hãng Fuji đã tăng số lượng khoen lên trong sự tính toán và kiểm soát đồng thời có sự kết hợp với vị trí đặt khoen, đây chính là điểm mấu chốt của ý tưởng.

Để đảm bảo tính chính xác của vị trí đặt khoen, linh hồn của “KR Concept”, hãng Fuji đã cung cấp cho các nhà thiết kế và sản xuất cần câu phần mềm hướng dẫn xếp khoen ( Guide Placement Software – GPS), để họ có thể ứng dụng chính xác ý tưởng của hãng. Phần mềm cũng giúp họ lựa chọn khoen và gắn vào bất kỳ loại thân cần nào dựa vào chiều dài, action và vị trí của bát máy.

Các câu thủ sử dụng cần câu có khoen “KR Concept” không phải vì theo mốt nhất thời. Nhiều tay câu chuyên nghiệp đã không ngớt lời khen ngợi loại khoen này. Garry Dobyn, một câu thủ và cũng là một chuyên gia “độ”cần ở Mỹ có nhận xét rằng: Khoen Micro có nhiều lợi thế sử dụng so với các kiểu khoen thông thường. Một trong số đó là khả năng quăng mồi ở mọi tình huống. Khi dùng dây Fluorocarbon trên 15Lb trong điều kiện có gió, khoen “KR Concept” vẩy mồi đi một quãng dài 8-10 feet, xa hơn các loại khoen thông thường. Tuy nhiên, nếu dùng với dây Mono hoặc braid, thì hiệu quả không chênh lệch nhiều.

Điều lý thú thấy rõ nhất của khoen “KR Concept” là việc ném mồi. Khi ném mồi nặng, việc làm cho mồi đáp êm trên mặt nước không đánh động đàn cá là điều rất khó, đòi hỏi người câu quen tay, có nghệ thuật và cả năng lực của cần câu. Đối với các loại khoen thông thường, muốn mồi lướt nhẹ trên mặt nước thì người câu phải dùng ngón tay cái rà dây để kiểm soát tốc độ bay của mồi. Riêng đối với cần có khoen “KR Concept”, không cần phải làm gì cả, chỉ cần vẫy nhẹ  là con mồi đáp xuống mặt nước một cách êm ái.

Garry cũng cho rằng, dùng loại khoen nào là theo quan điểm riêng của mỗi người. Khoen cần chỉ là một công cụ trong vô vàn những công cụ dùng câu cá khác, sẽ có người thích kiểu này người chuộng kiểu kia. Nhưng theo quan điểm của Garry, khoen “KR Concept”  thật sự là một loại vũ khí lợi hại khi câu cá Bass (cùng họ với cá Chẽm). Garry cũng chia sẽ là nếu một người mê câu, mê trang thiết bị câu cá, đã có nhiều loại cần với nhiều kiểu khoen khác nhau, thì nên thử thêm một cây cần với khoen “KR Concept”. “Khoen Micro không phải là thứ sẽ thay đổi mọi cục diện nhưng dùng khoen “KR Concept” là bạn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và làm phong phú thêm trò vui câu cá ”. Garry nói.

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Review Cần Câu

Top 5 mẫu cần tay săn hàng tốt nhất năm 2022

Cần tay săn hàng sử dụng câu hộ dịch vụ cá lớn,...

Review Cần Câu

Đánh giá cần câu tay săn hàng Tầm Xanh siêu vip

Cần câu tay Tầm Xanh là một trong những mẫu cần tay...

Câu ĐơnReview Cần Câu

Top 5 cần câu tay GW tốt nhất hiện nay

Bài viết này mình sẽ tổng hợp những mẫu cần câu tay...

cần câu lure rapala trail blazer
Review Cần Câu

Rapala Trail Blazer siêu phẩm cho người câu lure cá lóc

Rapala Trail Blazer là mẫu cần câu lure du lịch nhỏ gọn...