Mồi câu theo mùa là một trong những level cao của những anh em cần thủ, đó còn gọi là ngón nghề. Thông thường khi làm mồi mình chỉ làm mồi câu chung chung, thả lục hoặc lăng xê hoặc đơn nhưng ít ai biết cách làm mồi câu theo mùa. Nói vậy bởi vì cá ăn nhiều ít cũng phụ thuộc mồi và phụ thuộc vào mùa sinh sản của nó, và trước khi đi xem sẽ còn tùy vào thời tiết của những ngày đi câu nữa. Bài này mình xin giới thiệu với các bạn cách làm mồi câu chép theo mùa mà chép ăn mạnh nhất, đó là từ giữa mùa thu cho đến cuối mùa đông.
Đối với trắm trôi, mùa ăn thường từ cuối đông cho đến đầu hè, do vậy, khi chuẩn bị mồi đi câu, mùa đông sẽ ít được trôi trắm nên khi làm mồi mình sẽ thiên về bắt chép củ, còn nếu đi câu mùa xuân hè mình sẽ thiên về bắt trôi trắm.
Đối với các cần thủ chuyên nghiệp câu lâu năm, dựa vào hiểu biết của từng loại cá sẽ có cách tạo mồi khác nhau, nhưng những nguyên liệu cơ bản như ngũ cốc và cám là không thể thiếu. Dưới đây là một số đặc tính về các loại cá mà mình tìm hiểu và đúc rút được.
- Cá chép thích ngọt, thơm và hơi chua
- Trắm cũng thích ngọt, thơm và có kèm thực vật có màu xanh, do vậy khi làm mồi câu trắm mình có thể thêm vào lá rau muống, cỏ hoặc lá sắn
- Cá mè, chim thường thích thơm, chua và hơi tanh, mồi có tý váng mỡ động vật thì sẽ giúp thu hút mè chim tốt hơn
- Trôi thích mồi lên men, vị chua gắt, nồng, thơm hoặc hơi hắc.
- Rô phi thì dễ hơn, cứ miễn thơm và tanh là thoải mái bắt rô phi, nếu muốn làm mồi bắt rô phi thì chỉ cần cho cám tanh, ngũ cốc là có thể thoải mái câu rô phi rồi.
- Cá da trơn, trê, nheo thì dùng mồi nền và thêm vào một chút trai sống băm ra, hoặc thêm giun đất, giun kế nhỏ trộn thêm vào mồi câu thường là được
Mình thì rất ít khi đi câu hồ dịch vụ, khi nào dự định đi câu dù xa cũng sẽ cố gắng đi ao hoang vì câu hồ dịch vụ thì tương đối dễ câu, chủ nuôi bột nên cá rất nhanh lớn, và mật độ cá tương đối dày. Còn các ao hoang gần nhà dạo gần đây cũng khá là hiếm cá, do vậy khi đi câu trong quá trình làm mồi mình cũng tương đối đầu tư và làm mồi câu theo mùa để tăng độ nhạy của mồi chống móm xách cần về không. Tuy nhiên đối với ao hoang ít người câu thì vẫn giật cá lên đều đều.
Dưới đây là cách làm mồi câu chép theo mùa, đặc biệt là từ mùa đông cho đến đầu xuân theo kinh nghiệm làm mồi rất hiệu quả của mình.
Nguyên vật liệu bao gồm:
- Cơm nguội một bát tô to
- Mồi nền 1kg
- Chuối chín 2 quả
- Bột dừa nửa bát nhỏ
- Bột mỳ nửa bát nhỏ
- Mồi Quyền Râu D1 nửa bát nhỏ
- Cám gà vịt hoặc cám chim nửa bát nhỏ
- Cám lợn 1 bát con
Cách làm:
Trộn mồi, cho tất cả các nguyên liệu vào một thau, chậu vừa, trộn đều các nguyên liệu làm mồi cho đến khi dẻo đặc không dính, đối với mồi nền khi mới bỏ ra thường có mùi nồng cay cay, đó là do mồi nền mình dùng ngũ cốc và men là nguyên liệu chính, tuy nhiên sau khi bỏ mồi nền ra từ 15-20 phút thì mùi cay men sẽ bay hết chỉ còn lại mùi thơm của mồi. Các bạn có thể xem cách làm mồi nền tại đây.
Khi trộn mồi nến mỗi quá nhão và bở thì có thể cho thêm bột mỳ để tăng độ dính, và có thể trộn thêm cám gạo hoặc cám ngô để mồi bớt nhão. Sau khi mồi làm xong sẽ có mùi nồng, hơi xay và thơm, thông thường mình trộn mồi xong sẽ để từ 6 tiếng đến 1 ngày mới mang đi câu cho bớt mùi cay của mồi thì sẽ nhạy hơn. Với số nguyên liệu như trên thì tổng mồi làm ra nặng khoảng 2kg, nếu để câu lục thì có thể câu từ 6-8 tiếng, câu lăng xê 2-3 ngày câu, câu đơn thì thoải mái. Nếu câu không hết chỉ cần đem mồi về bọc ni lông kín bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh là được. Đối với câu lăng xê và câu đơn, nếu ai khó tính có thể xay nhỏ để dễ câu hơn. Còn nếu bạn thả câu lục có thể trộn thêm một ít xốp là được.
Mồi này mình làm ra thường chỉ chuyên câu chép, đặc biệt câu ao hoang thoải mái giật chép củ mang về. Ngoài ra có thể được cả rô phi và chim, trắm nhưng không đáng kể. Các bạn có thể thử làm theo cách của mình để tăng độ nhạy và câu chép theo mùa nhé!
Leave a comment