Tất cả các cần câu có thương hiệu đều có ghi chú chi tiết các thông số trên thân. Điều này đôi khi cũng là một sự thách đố cho một số người.
Các thông số cần:
Power (Sức mạnh):
Nói đến độ cứng của cần câu khi kéo cá. Có nhiều cấp độ được ghi trên tài liệu kèm theo và thân cần như sau:
– UL (Ultralight): rất nhẹ phù hợp câu suối
– L (Light): Nhẹ
– ML (Medium Light): Trung bình nhẹ
– M (Medium): Trung bình
– MH (Medium Heavy): Trung bình mạnh
– H (Heavy): Mạnh
– EH (Extra Heavy): Rất mạnh
Action (Độ cong của cần khi kéo cá)
– S (Slow): Chậm
– M (Medium hay Moderate): Trung bình
– MF (Medium Fast): Trung bình nhanh
– R (Regular): Bình thường
– F (Fast): Nhanh
– EF (Extra Fast): Rất nhanh
Độ cong cũng phản ánh độ cứng của cần. Độ cong càng ít cần càng cứng. Về lý thuyết, cần càng ít cong ( ví dụ như độ F hoặc EF ) ném mồi càng chính xác. Lưỡi câu cũng xóc mạnh và nhanh hơn so với loại cần có độ cong S hoặc M.
Thông số cần Shimano World Shaula
Trọng Lượng Lure:
– Tuỳ từng độ cứng mà sẽ có những con mồi thích hợp với cây cần của bạn. Với công nghệ ngày càng hiện đại dải mồi của các loại cần lure trung cấp và cao cấp hiện nay đã lớn hơn rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng cây cần đó cho nhiều cách chơi khác nhau.
Tóm lại thông số lure chính là trọng lượng con mồi phù hợp với cây cần của bạn. Giả sử bạn đang sài cây cần có độ cứng là MH, lure: 7 – 21g điều này có nghĩa là cây cần của bạn có thể sử dụng tất cả các con mồi có trọng lượng trong khoảng 7 – 21g. Nếu bạn sử dụng con mồi nhỏ hơn trọng lượng trên mồi sẽ không đi xa, mồi có trọng lượng lớn hớn rất có thể bạn sẽ bị gẫy đọt cần.
Lưu ý: Thông số lure chỉ áp dụng cho mồi lure. Bạn không thể và không nên buộc 1 cục chì với trọng lượng trong khoảng 7 – 21 để sử dụng. Bởi chì có trọng lượng cao và rất nhỏ chính vì thế khi ném lực bay sẽ đột ngột và rất mạnh, sẽ có nguy cơ gãy cần. Bạn cần nhớ: cần lure là để ném mồi lure, không phải để ném chì.
Kích Thước Dây:
– Khi nhìn thông số cần bạn sẽ thấy có một chi tiết là line. Ví dụ line: #1.0 – 10 – 20lb, điều này có nghĩa là cây cần của bạn phù hợp với các loại dây có tải trọng từ 10 – 20lb (4,5 – 9kg). Bạn nên tuân thủ theo thông số này nếu bạn chưa có kỹ thuật tốt trong câu cá. Bởi nếu sử dụng dây có tải trọng cao hơn thì rất có thể khi gặp cá lớn dây không đứt và hậu quả là cần bạn sẽ gẫy. Nếu bạn sử dụng đúng dây mà nhà sản xuất khuyến cáo trong trường hợp cá lớn dây sẽ đứt và đảm bảo an toàn cho cây cần của bạn. Tôi chỉ nêu ra một ví dụ trực quan nhất để các bạn hiểu tầm quan trọng khi sử dụng đúng với thông số của cần.
Khám phá thông số cần trong từng kỹ thuật câu:
Nên có một loại cần có độ dài và thông số phù hợp ứng dụng với mỗi kỹ thuật câu.
Kỹ thuật Drop shot:
Là kiểu câu đơn giản dùng để câu nhiều loại cá khác nhau. Người câu đứng trên bờ hay trên thuyền.
Thao tác:
Nhấp cần nhẹ, hoặc rung lắc đầu cần để con mồi chao đảo.
Nên chọn cần có độ mạnh Medium và độ cong Extra Fast. Vì cần có độ cong Extra Fast là cần có đặc tính: Khá dịu ở đầu ngọn nhưng cứng khỏe ở thân cần giúp người câu rung lắc con mồi dễ dàng như ý. Thêm vào đó, người câu có thể dùng các loại lưỡi câu thân nhỏ mà không tốn sức.
Kỹ thuật Tubes (open hook):
Kỹ thuật câu này là câu với lưỡi câu lộ ra ngoài. Thích hợp với những địa hình có cát và đá nhỏ.
Thao tác:
Người câu rê kéo con mồi nhử rà sát đáy.
Nên chọn cần câu có độ mạnh Medium và độ cong Fast hoặc Extra Fast. Lý do là vì khi rê kéo con mồi sát đáy, cần câu phải có độ chắc khỏe ở thân nhưng đầu ngọn phải dịu. Thân chắc khỏe để người câu đóng lưỡi câu vào hàm những con cá to khỏe cách họ hàng vài chục mét.
Kỹ thuật Shakey head:
Dùng Jig Head có đầu chì nặng khoảng 1,77g-7,08g và một lưỡi câu có thân khá dài. Trên thân lưỡi có một ngạnh nhỏ nhằm giữ con mồi giả bằng nhựa dẻo, mềm (thường có hình dạng giống con Trùn) không bị tuột ra.
Thao tác:
Ném mồi ra xa rồi để mồi chìm dần xuống đáy. Kéo lê con mồi giả dưới đáy nước, thỉnh thoảng ngưng kéo kết hợp rung nhẹ đầu cần cho mồi trở nên sinh động, gây chú ý cho cá săn mồi.
Mấu chốt của kỹ thuật câu này là phải rung lắc nhẹ đầu cần. Động tác rung phải nhanh, ngắt quãng, lâu lâu lại cho mồi nằm yên.Điều thú vị nhất của kiểu câu này là nhằm chinh phục lại những con cá đã từng bị bắt hụt, hoặc những con cá nhát sống ở khu vực chân cầu, cảng, có nhiều tàu bè nhộn nhịp qua lại. Hãy thử hình dung, một con mồi nhỏ bé, ẻo lả (được ném ra từ xa) nằm bất động (một lúc) rồi bỗng nhiên cựa quậy, uốn lượn, tung tăng (nhưng hiền hòa không có gì là gây hấn cả). Vậy nên, những con cá dù là “nhát gan” cũng không thể bỏ qua sự “quyến rũ” đó. Thành công dành cho người tạo ra được sự tin tưởng với con cá “nhát” đang quan sát. Khi con mồi nhúc nhích (do người câu rung thật nhẹ đầu cần), con cá bị kích thích sẽ tiến gần hơn và …tấn công.
Kiểu câu này rất thông dụng trên thế giới không chỉ vì nó có mục tiêu đặc biệt, gây hiếu kỳ, hứng khởi cho chính người chơi, mà còn vì kiểu câu này có thể ứng dụng được ở mọi địa hình khó như nơi rậm rạp cỏ cây, bờ đá lởm chởm, bờ cát giáp với nước, cảng hay chân cầu…
Với tất cả những mô tả như trên, chắc chắn loại cần câu phù hợp nên là cấn có độ mạnh Medium, và độ cong ở cấp độ Fast hay Extra Fast.
Leave a comment