Câu Lure

Các loại mồi cứng (Hard lure) câu lure và cách sử dụng

Mồi giả (tiếng anh gọi là lure) trong câu cá giải trí thì đa số dân câu đều nghe nói và biết đến thương hiệu Rapala truyền thống rất được phổ biến vì ra đời khá lâu (khoảng năm 1936), ngoài ra còn có vô số thương hiệu khác cũng rất nổi tiếng được tin dùng như Yo-zuri, Storm, Megabass, Daiwa, Duel,… hiện nay các kiều mồi cá giả và màu sắc khác nhau đã được phát minh và sản xuất đại trà với mục đích giúp dân câu có nhiều chọn lựa hơn tùy theo thời tiết, địa hình, loại cá để câu các loài cá dữ, ăn mồi sống cùng với các phương pháp, kỹ thuật sử dụng cũng phong phú đa dạng không kém. 

Bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các loại mồi cứng câu lure phổ biến hiện nay và kỹ thuật câu cho từng loại mồi này.

Mồi giả Crainkbait:

Kiểu mồi này thường ‘cào’ đáy, là loại mồi tốt nhất để làm tung bụi đất dưới đáy nước. Kiểu mồi này được làm từ gỗ balsa hoặc nhựa, có bi bên trong, hình dáng tựa như trái ô-liu, phần đầu con mồi thường có đường kính lớn hơn phần đuôi (ảnh dưới), và luôn được gắn một cái thìa (môi) bằng nhựa cứng hay kim loại, ngắn hay dài tuỳ theo độ lặn sâu theo nhu cầu sử dụng, chính đặc điểm này khi được quăng xuống nước và thu dây máy câu, con mồi tức thì lặn ngay trong tích tắc.

Tùy theo địa hình câu mà ta chọn con mồi có thể ‘lặn’ sát đáy nhờ cái thìa trên đầu để làm sủi bụi, sục bùn dưới đáy, cái thìa này rất hữu ích trong trường hợp:

–  Làm bộ phận ‘chống vướng’

Khi bắt đầu thu dây máy câu, con mồi Crankbait sẽ tạo một lực rung đều đặn và khá mạnh lên ngọn cần câu, đến nỗi cần thủ có thể cảm nhận được, kết hợp với sự rung động, va chạm của các viên bi bên trong thân tạo nên các tần số sóng âm, sự dao động và tần số sóng âm này sẽ càng khuếch đại, lan tỏa rộng trong nước khi cái thìa của con mồi chạm phải lớp đáy tại điểm câu. Có nhiều khi chính cái thìa này sẽ vẹt đi những chướng ngại vật gặp phải trên đường di chuyển của nó như: sỏi đá vụn nhỏ, vỏ sò, vỏ ốc, rác lá cây mục… hoặc sẽ lộn nhào khi đụng phải vật cản cứng và to lớn như gốc cây, đá tảng, …

– Sục mồi

Ở những vùng nước có đáy phủ cát (như bãi biển, gần cửa cống đầm tôm), đáy có vỏ sò, ốc (như đầm Mậu ở Phước An) hay đáy bùn mỏng (bên Dần Xây, Lý Nhơn – Cần Giờ), lúc này con mồi Crankbait sẽ nhập vai là chú cá nhỏ ‘sục’ tìm mồi một cách rất tự nhiên, đang bươi đáy để tìm những sinh vật có thể làm thức ăn như trùn, ốc nhỏ, tôm con, sinh vật phù du, …

Kỹ thuật ‘cào’ đáy này thực hiện khá đơn giản, khi quăng con mồi xuống nước, ta thu dây để con mồi lặn sâu xuống đáy và cứ vậy thu dây từ từ đều tay, khi gặp chướng ngại vật, ta sẽ cảm nhận được ngay thông qua tín hệu từ ngọn cần xuống cánh tay, lúc đó ta ngừng thu dây, con mồi sẽ nổi từ từ lên mặt nước và tránh bị vướng. Tùy theo kinh nghiệm câu của mỗi người và địa hình tại điểm câu mà ta có thể xác định việc tiếp thu dây hay ngừng khi con mồi gặp chướng ngại vật.

Lipless hay Vibration 

Trong kiểu mồi cá này thì thường chia làm 3 loại:
– Loại nổi trên mặt nước
– Loại nổi ở lưng chừng trong nước
– Loại chìm tới đáy

Tuy nhiên, tại thị trường Việt nam thì loại chìm lại thường được sử dụng hơn, có lẽ do kỹ thuật dễ sử dụng và tính hiệu quả trong môi trường câu. Kỹ thuật kéo mồi theo hình răng cưa, hay còn gọi là zíc zắc rất đơn giản.

Kỹ thuật câu theo kiểu đếm ngược – countdown

đặc biệt rất tương hợp với loại mồi cá giả này. Phương pháp này giúp bạn có thể thăm dò mọi tầng nước, từ đáy lên đến gần mặt nước tại nơi câu, rất hữu dụng trong câu cá lóc tại các hồ dịch vụ hay trong các tháng mùa lạnh, khi mà con cá lóc trong hồ hay các loài cá săn mồi và các đàn cá nhỏ thường ít di chuyển và bơi sát đáy để trốn không khí lạnh phía trên mặt nước.

Cơ bản kỹ thuật Countdown được thực hiện như sau:

1. Khi con mồi vừa chạm mặt nước, ta sẽ đếm thầm sao cho mỗi số đếm tương đương với 1 giây, và đếm từ 1 cho đến khi con mồi chìm đến đáy, cảm nhận bằng ngọn cần hay nhìn thấy dây trùng xuống không còn hiện tượng đòi dây. Lúc này ngừng đếm, quay máy thu dây nhanh hoặc chậm, thu dây liên tục hoặc ngừng đứt khoảng tuỳ thói quen của mình.

2. Quăng mồi trở lại cùng điểm như bước 1 (có thể xê dịch trong bán kính 50cm), lập lại thao tác đếm. Nhưng lần này, ta đếm giảm đi vài giây, ví dụ lần đầu tiên đếm đến 10 thì mồi chạm đáy, thì lần này ta chỉ đếm đến 7, sau đó quay máy thu dây nhanh hoặc chậm, thu dây liên tục hoặc ngừng đứt quãng tuỳ thói quen của mình, giai đoạn này chính là thao tác thăm dò tầng nước và ‘tìm kiếm’ cá săn mồi.

3. Tiếp tục thao tác câu thăm dò như thế ở khắp mọi tầng nước tại điểm câu, mỗi lần quăng và chờ mồi chìm, ta lại giảm đi vài giây khi đếm, mục đích là dò tìm tầng nước và kiếm các loài cá đang rình rập săn mồi.

Mồi giả Pencil bait:

Mồi cá giả Pencil bait và Stick bait gần như tương tự nhau, được phân 2 loại: loại chìm và loại nổi, trong đó loại nổi thường chỉ nhô phần đầu, phần đuôi sẽ chìm trong nước (giống như con nhái, ếch đang thở trong nước). Loại mồi giả này rất hữu dụng, kết quả đạt được rất bất ngờ vì có khả năng đánh lừa những chú cá dữ cứng đầu.

Loại mồi chìm này thường sẽ tác động ngay tức khắc khi vừa được quăng xuống nước, với trạng thái chìm chậm chạp, lắc lư khi chìm xuống phía đáy. Trong quá trình chìm từ từ xuống, lực cản cản của nước tác động trực tiếp vào phía bụng dưới và 2 bên sườn con mồi, tạo nên hiệu ứng lắc lư, tròng trành khi chìm xuống một cách thật tự nhiên, giống như một chú cá nhỏ đang bị thương hay bị ‘ốm’ không còn đủ sức để bơi tới hoặc lên trên, trong quá trình thu dây có thể kết hợp phương pháp thu dây/ ngừng – Stop & Go, thì con mồi sẽ lắc lư, lững lờ chìm xuống dưới đáy, khả năng làm cho những con cá săn mồi đuổi theo và tấn công là rất cao.

Kỹ thuật cơ bản nhất khi dùng mồi cá giả Pencil bait và Stick bait cho cả loại chìm và nổi là phương pháp ‘dắt chó đi dạo’ – walk the dog, với loại mồi chìm thì thời gian dừng lâu 1 chút thì ta cũng có thể khám phá nhiều tầng nước tại điểm câu.

Mồi giả Minnow và Jerkbait:

Trong các loại mồi cá giả cứng (hard lure) Thì mồi Minnow và Jerkbait là loại mồi được biết đến nhiều nhất tại Việt nam cũng như trên thế giới, bản thân tôi cũng có rất nhiều con mồi loại này. Chỉ bằng cách thay đổi 1 chút về hình dáng và cái môi, các nhà sản xuất đã tạo ra nhiều kiểu mẫu khác nhau, do đó cách bơi và độ lặn sâu của chúng cũng khác biệt.

Mồi cá giả Minnow và Jerkbait thường gồm 3 loại sau:
– Floating: loại mồi nổi khi quăng xuống nước và nổi lên mặt nước khi ngừng thu dây
– Suspending: loại mồi nổi lơ lửng ở trong nước khi ngừng thu dây
– Countdown: loại mồi chìm xuống đáy khi ngừng thu dây

Tùy theo mong muốn khả năng lặn sâu mà loại mồi này có thìa (môi) dài hay ngắn.
Tùy vào thời tiết và môi trường nước tại điểm câu mà ta có thể chọn lựa một cách thích hợp nhất con mồi cần sử dụng. 

Thực tế như tại các đầm tôm ở Lý Nhơn, Dần Xây và Phước An, thường mực nước sâu khoảng 1,5m, đáy nước không có chướng ngại vật thì thông thường ta sẽ chọn những con mồi giả nổi (floating) có môi ngắn hay nổi lưng chừng (suspending), độ lăn sâu tối đa trong khoảng 1m->1.5m là rất lý tưởng. Trong trường hợp này, ta cũng có thể sử dụng con mồi chìm đáy (countdown), loại này thì sẽ tạo nên những cú bật nẩy sát đáy sau mỗi lần dừng thu dây. Những cú bật nẩy này sẽ làm tung bụi đáy nước giống như một con cá nhỏ đang sục xạo tìm thức ăn, chính điều này sẽ đánh lừa các loài cá săn mồi.

Còn trong trường hợp tại điểm câu mà đáy có nhiều vật cản như gốc cây, cành cây (chà) ngã vùi trong nước, đá tảng, …thì thông thường ta sẽ dùng các con mồi nổi (floating), bằng cảm nhận từ cần câu và kinh nghiệm câu, loại mồi này giúp ta tránh bị vướng khi con mồi lặn chúi xuống đáy. Trong trường hợp này, ta co thể sử dụng kỹ thuật thu dây/ ngừng – Stop & Go, thì con mồi giả sẽ từ từ nổi lên trên mặt nước, trái ngược với loại countdown. Điều này cũng giống như 1 con cá nhỏ đang gắng sức ngoi lên mặt nước để trao đổi khí, trong thời điểm này khả năng các loài cá săn mồi sẽ tấn công con mồi giả là khá cao.
Tất cả những điều này chứng tỏ quy luật sinh tồn trong tự nhiên là cá lớn nuốt cá bé, những con cá bệnh tật, ốm yếu sẽ bị tiêu diệt, đào thải.

Mồi giả Popper:

Tại Việt nam thì loại mồi cá giả này rất ít được sử dụng do bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường câu (người dân được tự do dùng ‘2 càng’, giăng lưới, câu giăng, …)

Về hình dáng của mồi giả Popper thì đa số là giống như mồi Minnow và Jerkbait nhưng ngay tại mũi cá phía đầu sẽ được cắt ngang và khoét lõm vào bên trong (ảnh trên), mục đích chính là tạo âm thanh và gây hiệu ứng sóng âm trong nước mỗi khi ta kéo con mồi này di chuyển từng khoảng ngắn trên mặt nước bằng đầu cần, kỹ thuật câu cơ bản là giật (gật) đầu cần để kéo con mồi từng đoạn ngắn trên bề mặt nước, thu dây khi dây trùng và nhớ là không dùng máy câu để kéo rê con mồi trên mặt nước.

Nhờ vào những âm thanh con mồi tạo trên bề mặt nước, hiệu ứng âm thanh này sẽ được lan truyền vào trong nước bằng những sóng âm có tần số thấp, kết hợp với hình dáng và những bọt nước do con mồi tạo nên khi di chuyển, lúc này các loài cá săn mồi sẽ định vị được vị trí mà đuổi theo và tấn công con mồi giả.

Loại mồi này cũng rất hữu ích khi áp dụng trong câu biển ngoài khơi với các loài cá ‘chịu’ ăn nổi như cá lão, cá ngừ, …

Trên đây là vài tìm hiểu cơ bản, những phương pháp kỹ thuật đơn giản cũng như một vài kinh nghiệm thực tế về mồi giả cứng (hard lure) mà tôi đã ‘chơi’, có thể sẽ còn thiếu sót và thực tế sẽ có nhiều tình huống và trường hợp không thể giống, rất mong được các bạn chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kỹ thuật thực hành thêm.

 

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Câu Lure

Cần câu lure cá lóc nào tốt nhất hiện nay

Mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số mẫu cần câu...

Câu Lure

Kinh nghiệm câu cá chẽm cho cần thủ

Cá chẽm là loài cá dữ và có sức ăn rất khủng...

Câu ĐơnCâu LancerCâu LụcCâu Lure

Top 3 cửa hàng đồ câu cá uy tín nhất Việt Nam

Top 3 shop đồ câu cá uy tín nhất Việt Nam, xếp...

Câu LureKinh Nghiệm

Kinh nghiệm câu cá lóc cho người mới bắt đầu

Dấn thân vào câu cá đã lâu, hầu như cá nào cũng...