Tôi có một anh bạn, nghe đồn cũng thuộc dạng có số trong giới cần thủ Hà Nội, có thể cả tuần ngồi làm thính, mân mê cước, lưỡi chuẩn bị đồ câu cả ngày mà không thấy chán. Anh bạn gợi ý cho chúng tôi một buổi đi câu cuối tuần ở Hồ Đồng Quan.
Thông tin về địa điểm: Hồ Đồng Quan, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn Hà Nội cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km (Các bạn có thể tra google để nhận được chỉ dẫn phù hợp với vị trí và phương tiện). Chỉ cần tìm được ĐT35 hoặc ĐT131 là các bạn đã ở rất gần rồi đấy. Hồ Đồng Quan cách không xa Hồ Hàm Lợn và gần Việt Phủ Thành Chương, Khu sinh thái Bản Rõm, Khu sinh thái My Hill Đồng Quan nên các bạn dễ tìm kiếm và hỏi đường.
Sau 30 phút trên ô tô chạy trốn cơn mưa lạnh trong nội thành, chúng tôi đã có mặt trên đập Hồ Đồng Quan với thời tiết không thể đẹp hơn. Trời nhiều mây, tạnh ráo, gió thổi mát lạnh xô từng con sóng đánh vào bờ tung bọt nước.
Đoàn xe rẽ vào con đường ven hồ (đường đất – 2 ô tô con có thể tránh nhau, có 1 vị trí nước hồ làm ngập nhưng các phương tiện đều có thể vượt qua) ngay cạnh Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Trên đoạn đường có rất nhiều cần thủ đã triển khai niềm đam mê của mình. Đoạn đường này một bên là hồ nước sâu, một bên là rừng thông với những nhà dân và biệt thự đang xây dựng nằm lấp ló trong những tán thông xanh rì.
Con đường đất uốn quanh mép hồ men theo những sườn đồi đất xen lẫn đá ong được phủ xanh bởi rừng keo, dương xỉ và những cây sim mua. Tôi dự đoán nếu đến đây vào tầm tháng 6 thì ngoài sự mát rượi của gió hồ các bạn có thể ngắm những đồi hoa sim tím ngắt, rồi tháng 7 có thể thỏa sức thưởng thức hương vị sim chín.
Đi vào khoảng 1km, chúng tôi tìm được chỗ ưng ý hạ trại. Có lẽ đã quen với những chuyến đi như thế này nên bọn trẻ chỉ mất 5 phút để làm quen với khung cảnh mới rồi bắt tay vào việc hạ trại, nhặt lá khô và cành củi để nướng đồ.
Chúng tôi chọn vị trí cách không xa mặt hồ. Ngồi trông lều chỉ cần phóng tầm mắt là nhìn thấy mặt hồ xanh thẳm, những khu sinh thái phía bờ bên kia ẩn hiện trong rừng thông, những đám mây trắng ôm ấp ve vuốt đỉnh núi, những chiếc máy bay thương mại cất, hạ cánh từ Nội Bài…
Anh bạn cần thủ đã chuẩn bị sẵn cho các thành viên mỗi người 1 chiếc cần với đầy đủ phụ kiện để tham gia bắt cá cho bữa trưa (cần câu vừa phải giá chỉ 90k/chiếc có thể mang đi cho các chuyến sau), mồi và thính kèm sẵn dùng thoải mái. Nghe dân địa phương và dân câu chuyên nghệp nói hồ này rất sâu, có chỗ sâu đến 20m nên việc quan sát trông trẻ trong lúc chơi phải hết sức cẩn thận và trong đoàn nên có nhiều người bơi giỏi.
Hồ không có người quản lý và thu phí. Nghe đồn dân chuyên nghiệp hay câu được “cá khủng” ở đây, nhiều cá chép tầm 2-7kg, cá trắm trắng đã có người bắt đường con 10kg, và cá rô phi tầm 1-2kg thì rất nhiều. Các cần thủ nhí được hướng dẫn sử dụng cần câu, móc mồi, thả thính và bước cuộc đi săn tìm cá cho bữa trưa, luôn miệng hỏi cái nổi nổi kia để làm gì, mồi móc vào thế nào, làm sao biết cá cắn câu, giật cần đề bắt cá thế nào, bắt được cá làm sao để ăn được ngay…
Bao nhiêu thắc mắc, các khía cạnh được các bạn ý “chất vấn” râm ran 1 góc hồ. Chắc do nghe được những câu hỏi đó nên bọn cá lặn sâu bỏ trốn. Dù đã được hướng dẫn việc phải kiên trì đối với bộ môn câu cá nhưng chỉ 1 lúc sau các bạn nhỏ đã buông cần chuyển sang trò chơi khác.
Khu vực gần trại chúng tôi có 1 khoảng nước nông khoảng 20cm cho các bạn ý lội nghịch nước, vớt rong và chèo thuyền cao su (Xin nhắc lại là khi vui chơi với nước phải đảm bảo an toàn và có những người bơi giỏi cùng đi). Cảm giác được trải nghiệm một vòng trên mặt hồ, giữa bao la mây nước, bao quanh bởi núi rừng rất thú vị.
Do khu vực này nhà dân khá thưa thớt, nằm cách biệt những nhà hàng và khu sinh thái nên việc chuẩn bị đồ ăn (đặc biệt cho các bé) nên được quan tâm (Tất nhiên vẫn có thể tìm các quán ăn ở khu vực lân cận).
Việc chuẩn bị này được giao cho các mẹ thì hoàn toàn yên tâm, thực đơn cho các bé và người lớn ăn ké bao gồm: Xúc xích, chả cốm, chả mực, kimbap, xôi (vừng+ruốc), bánh mỳ, pate, gà luộc, hoa quả… Trong đoàn chúng tôi có một anh chàng làm công tác dân vận rất tốt, nên dù là điểm đến lần đầu nhưng rất nhanh chóng đã liên hệ mua 2 con gà làm sẵn vì hơi mất niềm tin vào việc được thưởng thức cá hồ Quan Sơn trong bữa trưa.
Hai con gà mua về được các bố mổ phanh, massage bằng gia vị rồi cho lên than củi (than nên chuẩn bị sẵn vì trên đó chỉ có lá khô và củi nhỏ thôi) đã chuẩn bị, phần lòng mề, tim cật được gói trong giấy bạc kèm 1 ít gia vị và lá chanh để cạnh than cho chín từ từ. Trong lúc mọi người ngồi quây quần bên đống lửa bàn về mùi vị món gà nướng mọi thì bỗng nghe tiếng reo hò của bọn trẻ, quay về hướng đó thì thấy anh bạn cần thủ xách 2 con cá rô to đùng đi về. Hóa ra, khi mọi người bỏ cuộc thì đẳng cấp đã lên tiếng.
Rất nhanh chóng 2 con cá được làm sạch bên mép hồ và được tráng lại sạch sẽ. Hai chú cá được xiên que trên bếp than hồng (khi gần chín chúng tôi chuyển sang vỉ nướng). Sau chuyến này tôi học được 1 kinh nghiệm rất hay đối với các món nướng mọi: Gà và cá trong quá trình nướng nếu được tưới bia sẽ không bị khô và có mùi vị rất đặt biệt. Gà đồi và cá sông được nướng đủ nhiệt chấm với muối ớt thì quá tuyệt. Cá nướng chín gỡ từ vỉ sang đĩa, còn dính ít da và thịt trên vỉ, có đứa nhanh tay gỡ cho vào miệng và xuýt xoa khen ngon. Dù đã ăn khá nhiều món nhưng bọn trẻ con vẫn xúm lại nhận những miếng thịt trắng dai, thơm lừ được gỡ từ lưng cá và thưởng thức ngon lành. Gà nướng mọi, lấy tay túm lấy đùi xé tách ra khỏi thân, các thớ thịt tách rời, lớp da ròn lách tách, nước ứa ra, mùi thâm quyện lấy hơi nóng bay lên, xé một miếng thịt đậm mùi than củi chấm muối chanh và nhấp một ngụm bia lạnh…
Sau khi ăn uống nghỉ ngơi, chúng tôi hướng dẫn cho các bé thu gom rác của đoàn trong khu vực cắm trại và dập tắt lửa hoàn toàn để không xảy ra các sự việc đáng tiếc. 16h là chúng tôi đã có mặt trong nội thành, kết thúc một ngày khám phá với những điều bổ ích. Chi phí cho chuyến đi vẫn nằm trong phân khúc cho phép, khoảng 500k/gia đình. Và nếu bạn muốn có một sinh nhật ở giữa miền sơn cước thì cũng nên thử!
Leave a comment